Nhiều tác phẩm hay ra mắt nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), các Nhà xuất bản (NXB) tại TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu những tác phẩm hay viết về Bác Hồ đến bạn đọc cả nước.
Tác phẩm "Một số tư liệu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh" do NXB Văn hóa -Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phát hành gồm 79 bài báo đề cập đến những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cá nhân, tập thể liên hệ trực tiếp với Người nói riêng, cũng như lịch sử Việt Nam trong thời kỳ 1945 - 1954 nói chung. Cuốn sách này do tác giả Võ Văn Sạch sưu tầm và chỉnh lý từ những tài liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và sự giúp sức của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh.
Thông qua tác phẩm, độc giả sẽ biết đến một Nguyễn Sinh Huy (Bác Hồ) giàu lòng yêu nước nhưng rất trầm tĩnh, cẩn trọng trong việc lựa chọn con đường cứu nước cho là thích hợp, dấn thân vào những hoạt động yêu nước theo kiểu của mình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của bản thân.
Tác phẩm thứ hai được NXB Văn hóa -Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh ra mắt là "Hồ Chí Minh - Hồn cách mạng, hồn thơ" của PGS-TS Đoàn Trọng Huy. Đây là cuốn sách tập hợp những hiểu biết, tìm tòi, tâm huyết, lòng biết ơn sâu sắc, chân thành nhất đối với Người trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu của tác giả từ 60 năm qua. Xuyên suốt tác phẩm là những giá trị lan tỏa lớn lao về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tâm hồn của nhà cách mạng giàu cảm xúc với giá trị chân - thiện - mỹ của văn chương, nghệ thuật; tâm niệm "yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn" được bao bọc trọn vẹn tác phẩm. Một lòng thành kính học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Một tác phẩm quan trọng khác không thể không nhắc tới là "Văn Chủ tịch Hồ Chí Minh". Đây là những tác phẩm được chọn lọc về sự nghiệp văn học và sáng tác của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một nhà văn, nhà thơ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Sinh thời, Người không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ hay nghệ sĩ, dù rất yêu văn thơ. Người đã sử dụng văn chương như một vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc; cũng như một phương tiện rất hữu hiệu để động viên, kêu gọi tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước của chiến sĩ, đồng bào. Quan niệm này đã được Bác nói rõ hơn trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cũng vừa cho ra mắt bộ sách "Nghiên cứu Hồ Chí Minh - Một số công trình tuyển chọn" của PGS-TS Bùi Đình Phong (Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Đại diện NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 5, sau khi ra mắt bạn đọc cuốn sách "Xây dựng đất nước phồn vinh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", PGS-TS Bùi Đình Phong lại bắt tay vào việc tập hợp, tổ chức các công trình, bài viết trong quá trình nghiên cứu hàng chục năm của ông về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với lịch sử Việt Nam hơn một thế kỷ qua và công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay để cho ra mắt bộ sách "Nghiên cứu Hồ Chí Minh - Một số công trình tuyển chọn". Đây là tác phẩm giúp lý giải giá trị tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trang phát triển của dân tộc.
Bộ sách này gồm 3 tập, tập 1 bao gồm 45 bài viết tập trung làm rõ dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình lịch sử Việt Nam 100 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề thuộc địa, chủ nghĩa thực dân và cách mạng giải phóng dân tộc; về tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhiều bài nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và phương thức cầm quyền; về Chính phủ công bộc của dân; về mối quan hệ cán bộ với nhân dân và vấn đề lòng dân… Ở tập này, tác giả phân tích, đúc kết thành bản lĩnh Hồ Chí Minh, minh triết Hồ Chí Minh.
Tập 2 có 67 bài nghiên cứu, di sản văn hóa, đạo đức, xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tác giả đề cập ở những nội dung và giá trị mới. Đó là những giá trị văn hóa quê hương, văn hóa dân tộc, văn hóa nhân loại, văn hóa dân chủ, văn hóa kháng chiến và văn hóa hòa bình. Điểm nhấn quan trọng ở tập này là một số bài viết phân tích sự tha hóa quyền lực trong điều kiện đảng cầm quyền; phân tích từ chỗ “có quyền mà thiếu lương tâm” đến câu chuyện “cái lồng nhốt quyền lực”; từ đó nói về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu dưới góc nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tập 3 bao gồm 50 bài viết làm rõ từng nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển cũng như mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới với hội nhập và phát triển. Đặc biệt, với tác phẩm "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", tác giả Bùi Đình Phong đánh giá đó là quốc bảo mang sinh khí đổi mới, đồng thời phân tích bài học 30 năm đổi mới của đất nước mang dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh.
PGS-TS Bùi Đình Phong là một trong những tác giả hàng đầu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 40 năm vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, ông thường xuyên được mời làm báo cáo viên trong các hội thảo, chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính đến nay, ông đã công bố khoảng 600 công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm cả sách, bài báo, bài trên các tạp chí nghiên cứu.