Nhiều tập đoàn Mỹ, Nhật Bản xin đầu tư điện khí vào Vân Phong
Nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia của Mỹ, Nhật Bản có chủ trương lựa chọn Vân Phong để đầu tư các dự án điện khí với vốn đầu tư hàng chục tỷ USD.
UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất chọn 4 địa điểm quy hoạch điện khí tại khu vực nam Vân Phong, thuộc Khu kinh tế Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, để trình Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ đưa vào quy hoạch điện VIII.
Theo Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong, 4 địa điểm được UBND tỉnh lựa có diện tích hơn 1.000 ha và rất thuận lợi để phát triển các dự án kho khí, điện khí.
Dành 4 khu vực cho điện khí, kho khí
Cụ thể, địa điểm thứ nhất tại thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước (khu vực trước đây quy hoạch Nhà máy Nhiệt điện than BOT Vân Phong 2). Diện tích khu vực này khoảng 100 ha (trong đó diện tích lấn biển khoảng 50 ha).
Địa điểm thứ hai tại khu công nghiệp Ninh Thủy (phường Ninh Thủy), có diện tích hơn 40 ha và đất đã được giải phóng mặt bằng.
Địa điểm thứ ba nằm tại khu quy hoạch Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (thôn Ninh Yển và thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước), có tổng diện tích khoảng 31 ha. Trong đó, diện tích đất liền hơn 151 ha còn 70 ha nằm trên đảo Mỹ Giang và 88 ha diện tích đất có mặt nước.
Địa điểm thứ 4 tại khu vực quy hoạch phát triển công nghiệp Ninh Tịnh (thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước) với diện tích khoảng 600 ha. Trong đó, phần diện tích dự kiến thu hút dự án Nhà máy điện khí LNG và kho chứa khí khoảng 100 ha.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, các địa điểm trên đã được rà soát, lựa chọn rất kỹ. “Những địa điểm được lựa chọn rất thuận lợi cho phát triển điện khí, kho khí do gần biển và quỹ đất bằng phẳng, rộng lớn đủ để làm các dự án quy mô lớn”, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Cũng theo vị lãnh đạo này, sau khi được Thường trực Tỉnh ủy thông qua, tỉnh sẽ báo cáo Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 (Quy hoạch điện VIII).
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương xem xét, ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư ở các nước phát triển, có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nhà máy điện trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng tiến hành xin được phép bổ sung điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí tại khu vực nam Vân Phong (thuộc Khu kinh tế Vân Phong) cho phù hợp với quy mô công suất, thời gian vận hành các dự án điện khí theo Qui hoạch điện VIII.
Nhiều tập đoàn lớn xin đầu tư
Theo Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, 4 địa điểm mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã lựa chọn để đưa vào quy hoạch điện khí được đánh giá có vị trí tốt nhất và phù hợp với các dự án kho khí, điện khí.
Cũng theo Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong hiện đã có nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia có chủ trương lựa chọn Vân Phong làm điểm đầu tư, trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp xin đầu tư kho chứa khí và điện khí.
Những tập toàn, doanh nghiệp lớn xin chủ trương xin đầu tư có thể kể đến như: Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Millennium (Mỹ), Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn Quantum (Mỹ), Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương Mại Tuấn Dung và Công ty TNHH Tài Tâm, Công ty J-Power (Nhật Bản)...
Theo đánh giá, đây là những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, nhiều thế mạnh trong lĩnh vực điện khí hiện nay.
Trong đó, Công ty Millennium đã trình UBND tỉnh Khánh Hòa xin đầu tư dự án điện và kho chứa khí lên đến 15 tỷ USD. Cụ thể, Công ty vừa đề xuất xin UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm LNG (trên 10 triệu m3) và Nhà máy điện (công suất 4.800 MW) có tổng vốn đầu tư ban đầu là 8 tỷ USD. Dự án được đề xuất thực hiện tại khu vực Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa.
Theo Công ty Millennium, sau khi 2 dự án trên hoàn thành, doanh nghiệp sẽ nâng công suất nhà máy điện lên 9.600 MW và kho chứa cũng tăng lên 15 triệu m3 với vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD.
Tương tự, Công ty Phát triển điện lực J-Power vừa xin UBND tỉnh Khánh Hòa xin chủ trương đầu tư Nhà máy Điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Vân Phong 3,2 tỷ USD. Dự án rộng 40 ha, thuộc Khu công nghiệp Ninh Thủy.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng vừa đề xuất xin dự án nhà máy điện khí (6.000 MW), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề xuất kho khí (3 triệu tấn LNG/năm), Công ty Millennium (Mỹ) đề xuất nhà máy điện khí (14.400MW) và kho chứa khí (17 triệu tấn LNG/năm)…
Trước đó, hồi tháng 9, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn công bố tài trợ cho UBND tỉnh Khánh Hòa số tiền 5 triệu USD để lập quy hoạch khu kinh tế Vân Phong.
Việc lập quy hoạch này dự kiến mất khoảng 2 năm. Đến năm 2022, tỉnh Khánh Hòa sẽ trình đồ án quy hoạch này lên Thủ tướng xin ý kiến, phê duyệt.