Nhiều tàu cá hoán đổi thành tàu chở xăng dầu lậu
Tuy giá xăng dầu trong nước đã giảm, nhưng trên tuyến biển, buôn lậu xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều tàu cá lớn đã bỏ nghề, hoán đổi thành tàu chở xăng dầu, hoạt động buôn lậu trên biển để thu lợi nhuận. Đối tượng trong nước móc nối với đối tượng nước ngoài, mua xăng dầu giá rẻ để bán lại thu lợi nhuận chênh lệch. Hiện tại, giá dầu mua trên biển thấp hơn giá dầu trong bờ từ 3.500 -5.000đ/lít.
Dùng tàu cá loại lớn để chở xăng dầu lậu
Mỗi ngày, trên vùng biển phía Nam và Tây Nam có hàng nghìn phương tiện tàu thuyền hoạt động. Tàu đánh bắt hải sản, tàu chở hàng, tàu dịch vụ hậu cần qua lại nhộn nhịp. Song, mặt hàng xăng dầu vẫn thường được các đối tượng buôn lậu chú ý nhất vì có lợi nhuận cao. Nhiều chủ tàu cá lớn đã bỏ nghề, hoán cải khoang chở cá thành khoang chở dầu, móc nối với các đối tượng nước ngoài, mua xăng dầu giá rẻ để bán thu lợi nhuận chênh lệch.
Điển hình vào tối 15//7, tại vùng biển cách phía Đông Nam Côn Đảo khoảng 45 hải lý, lực lượng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phát hiện tàu cá vỏ gỗ số hiệu TG 93798TS có dấu hiệu nghi vấn đã yêu cầu dừng tàu để tiến hành kiểm tra. Trên tàu, ngoài thuyền trưởng là ông Trần Công Quang (SN 1973, Tiền Giang) còn có 5 thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Kiểm tra trong khoang chứa hàng có khoảng 90.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Sau đó 4 ngày, cũng tại vùng biển trên, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phát hiện tàu cá vỏ gỗ, số hiệu BT 99889TS chở 50.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ. Tất cả thuyền viên trên tàu cũng không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
Tại vùng biển Tây Nam – nơi hoạt động buôn lậu xăng dầu diễn ra nóng nhất cả nước, thường diễn ra ở khu vực vùng biển giáp ranh, hay vào đêm tối để sang mạn xăng dầu. Tối 20/7, trong khi tuần tra tại khu vực biển Đông Nam Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau khoảng 130 hải lý, Biên đội tàu CSB 4039 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện tàu cá mang số hiệu KG 90620 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn, nên đã ra tín hiệu dừng tàu để tiến hành kiểm tra hành chính. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trường Nguyễn Thanh Tú (SN 1984, Hòn Đất, Kiên Giang) khai đang vận chuyển khoảng 20.000 lít dầu DO và toàn bộ số dầu này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Tại vùng biển phía Nam và Tây Nam, lực lượng làm nhiệm vụ đã phát hiện nhiều tàu cá loại lớn, tàu dịch vụ hậu cần, tàu hàng… vận chuyển xăng dầu nhập lậu. Trông bề ngoài những con tàu này giống như tàu cá, tàu hàng hoạt động bình thường vì chúng giữ nguyên kết cấu, màu sơn, nhưng thực chất các hầm hàng đã hoán cải thành hầm chở xăng dầu. Có đối tượng còn sử dụng chính tàu cá của ngư dân, lôi kéo ngư dân cùng tham gia vận chuyển xăng dầu trái phép.
Thủ đoạn mới, tinh vi hơn
Thượng tá Đậu Thành Hưng, Phó trưởng Phòng Phòng chống tội phạm vi phạm, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, bên cạnh các thủ đoạn chủ yếu như quay vòng hóa đơn, lợi dụng đêm tối, những ngày nghỉ, ngày lễ hoặc thời tiết xấu; sử dụng phương tiện có công suất lớn; hoạt động ở vùng biển xa, giáp với vùng biển các nước trong khu vực…, để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Đó là các đối tượng trong nước móc nối với đối tượng nước ngoài, mua xăng dầu giá rẻ để bán lại thu lợi nhuận chênh lệch. Đối tượng người Việt Nam thỏa thuận, thống nhất với đầu nậu Thái Lan, Campuchia về giá, địa điểm, thời gian, phương thức giao nhận và thanh toán. Sau đó, chúng sử dụng các tàu hoán cải, ở khu vực giáp ranh rồi vận chuyển về bán cho tàu cá Việt Nam. Hiện tại, giá dầu mua trên biển thấp hơn giá dầu trong bờ từ 3.500-5.000đ/lít.
Ở khu vực phía Bắc, chủ yếu sử dụng tàu của các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu, sau đó sử dụng hóa đơn, chứng từ hợp pháp để hợp thức số xăng dầu lậu, xăng dầu không có nguồn gốc hợp pháp. Thủ đoạn này rất khó phát hiện, bởi sau khi vận chuyển, tiêu thụ số xăng dầu hợp pháp, các đối tượng bơm nước vào phương tiện (nhằm đánh lừa về tải trọng) để ra biển nhận hàng. Khi nhận hàng, nước được bơm ra để nhận xăng, dầu bất hợp pháp, rồi sử dụng chính bộ hóa đơn, chứng từ của lô hàng trước đó để hợp thức cho số xăng dầu vừa nhận. Thời gian cho cả một chu trình chỉ hết khoảng từ 2-3 ngày.
Thượng tá Hưng còn cho biết thêm, các đối tượng còn sử dụng hóa đơn, chứng từ khống để hợp thức xăng dầu lậu, không có nguồn gốc hợp pháp. Khi về đến vùng biển Việt Nam, tàu vận chuyển xăng dầu nhập lậu thông báo cho các tàu từ trong bờ mang theo hóa đơn, chứng từ khống ra vị trí quy ước, nhận hàng rồi đưa về bờ tiêu thụ.
Theo Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, trong thời gian giá xăng dầu trong nước tăng cao, hơn 32.000đ/lít, hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển rất phức tạp. Nguyên nhân do giá xăng dầu tăng cao, nguồn cung khan hiếm, nhu cầu sử dụng các hoạt động trên biển tăng (trung bình 1 tàu cá sử dụng khoảng 1.000-2.000 lít dầu/ngày), ngư dân luôn có xu hướng mua xăng dầu trực tiếp trên biển vì giá thành thấp, không phải di chuyển vào bờ tốn kém chi phí đi lại… Chính vì vậy mà các tàu cá vận chuyển xăng dầu nhập lậu bán trực tiếp cho các tàu cá trên biển.
Nắm bắt được điều này, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 3, 4 tập trung đấu tranh mạnh vào hoạt động buôn lậu xăng dầu. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, mua bán trái phép xăng dầu lớn trên các vùng biển phía Bắc, phía Nam và Tây Nam.
Điển hình là các chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 trong lúc tuần tra tại khu vực biển giáp ranh, đã bắt giữ tàu BT 99889TS vận chuyển khoảng 243.061 lít dầu DO không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng Cảnh sát biển đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 78.600.000 đồng, bán phát mại dầu hơn 5,48 tỷ đồng. Hay vụ bắt giữ tàu VN-96789TS (Thanh Tuyền 11) vận chuyển khoảng 159.886 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; xử phạt 69.300.000 đồng và bán phát mại hơn 3,63 tỷ đồng.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/nhieu-tau-ca-hoan-doi-thanh-tau-cho-xang-dau-lau-i663396/