Nhiều thạc sĩ, cử nhân ùn ùn gia nhập đội quân thất nghiệp tự nguyện
Một bộ phận giới trẻ đang coi thất nghiệp tự nguyện như trào lưu, họ không làm việc vì cho rằng công việc không xứng với trình độ đào tạo hoặc thu nhập không đủ sống.
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý II-2017, cả nước có khoảng 1,08 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm hơn 20.000 lao động so với quý trước. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung có xu hướng giảm nhẹ thì thất nghiệp trong nhóm có trình độ đại học trở lên tăng 44.000 người so với quý I-2017. Đáng chú ý, tình trạng thất nghiệp tự nguyện đang ngày càng tăng cao.
Lùi để tiến…
Chuyện cử nhân thất nghiệp vốn không có gì lạ. Không phải mọi sinh viên ra trường có thể nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp. Cũng có thể, vì không thích ứng với môi trường làm việc, mức lương chưa hợp lý, người lao động sẵn sàng nghỉ việc để theo đuổi những cơ hội tốt hơn. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán một năm nay, anh Nguyễn Văn Hiếu (ở Trần Bình, Mai Dịch, Hà Nội) vẫn chưa có việc làm ổn định. “Sau khi tốt nghiệp, tôi mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng chưa tìm được công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Tôi còn trẻ, lại được đào tạo bài bản từ một trường đại học lớn nên không việc gì phải ép mình làm những công việc vô thưởng vô phạt như tiếp thị, phát tờ rơi…”, anh Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Về nước với tấm bằng thạc sĩ kinh tế nhưng chị Lê Mai Khanh (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cũng gia nhập đội ngũ tự nguyện không đi làm. Chị Lê Mai Khanh cho hay, chị chọn thất nghiệp cũng bởi vì đặt ra tiêu chí mức lương không dưới 1.000 USD/tháng. “Tôi còn trẻ và năng động, lại có vốn ngoại ngữ vững chắc. Hơn nữa, những năm tháng du học ngốn hết của tôi và gia đình hàng trăm nghìn USD nên tôi phải cân nhắc xem công việc nào có thu nhập cao để bù “vốn”, chị Lê Mai Khanh nói.
Thất nghiệp, thiếu việc làm đồng nghĩa với không có thu nhập nuôi sống bản thân nhưng nhiều lao động trẻ sẵn sàng chịu thất nghiệp để thể hiện khát vọng của bản thân, coi đó như một bước lùi để lựa chọn cơ hội tốt nhất, phù hợp nhất cho mình.
Tận dụng cơ hội việc làm
Theo Viện trưởng Viện khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Quang Vinh, thất nghiệp tự nguyện được hiểu là người lao động có năng lực làm việc nhất định nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp với trình độ, mức lương mong muốn. Thất nghiệp tự nguyện có thể xảy ra ở tất cả các nhóm lao động nhưng thường thì, lao động có trình độ cao thì xảy ra nhiều hơn do người lao động có trình độ cao sẽ nghĩ mình có nhiều cơ hội khác.
Một số cử nhân sau khi tốt nghiệp kiên quyết không làm trái ngành, trái nghề hoặc làm tạm công việc nào đó nhưng môi trường làm việc không thuận lợi nên nghỉ việc để theo đuổi những cơ hội tốt hơn. Có điều, cần phân tích rõ hơn vì đang xảy ra tình trạng một bộ phận không nhỏ cử nhân thất nghiệp tự nguyện không nhìn nhận rõ năng lực của bản thân. Thực tế này đòi hỏi các đơn vị làm công tác giới thiệu việc làm cần phải có những điều chỉnh và hoạt động hiệu quả hơn để tiếp cận và hỗ trợ người lao động tìm được đúng công việc, ngành nghề mong muốn.
“Người thì chê lương thấp, người khác lại nói môi trường làm việc quá vất vả nên có cử nhân qua trung tâm tìm việc vài ba lần mà vẫn không tìm được việc làm ưng ý”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết. Thực tế, do người lao động không đáp ứng được yêu cầu của công việc nên doanh nghiệp không thể trả lương theo nhu cầu, mà chỉ ở mức trung bình 4-6 triệu đồng/tháng. Với mức lương đó, nhiều người trẻ tự nguyện thất nghiệp, ỷ lại vào gia đình để từ từ tìm kiếm việc làm chứ không chịu làm tạm để lấy kinh nghiệm.
Theo chuyên gia lao động, thất nghiệp tự nguyện để chờ đón những cơ hội mới là lời giải cho bài toán lùi để tiến của người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp tự nguyện ở Việt Nam cũng chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, không nên để thất nghiệp tự nguyện trở thành một xu hướng bởi thất nghiệp quá lâu không những sẽ dẫn đến tình trạng lao động trẻ ỷ lại, không năng động trong việc tìm kiếm việc làm mà còn gây lãng phí nguồn nhân lực và chi phí đào tạo.