Nhiều thách thức để Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao
UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, để đạt được mục tiêu trên, cần giải quyết những thách thức ngắn hạn cũng như dài hạn.
Làm sao kéo khách ngủ lại thêm một đêm?
Trong mùa hè vừa qua, hòa chung dòng khách nội địa đi du lịch sau dịch, chị Nguyễn Thanh Hằng đã cùng nhóm bạn đi du lịch tự túc tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận (Huế và Hội An) với hành trình 5 ngày 4 đêm. Không phủ nhận Đà Nẵng rất yên bình, biển đẹp, tuy nhiên chị Hằng và nhóm bạn quyết định chỉ ở lại một đêm tại Đà Nẵng với lý do “không có gì để chơi lâu”. Các đêm còn lại nhóm của chị ở Hội An và Huế. Sản phẩm du lịch đêm chỉ có ăn uống và mua sắm trong khi khu du lịch Sunworld Bà Nà Hills với cầu vàng nổi tiếng thì quá đông đúc là hai trong những điểm hạn chế mà chị kể ra.
Trong khi đó, anh Phan Thanh Sơn cùng nhóm bạn từ Hà Nội cảm thấy khá thất vọng với khu phố đêm ven biển mới được hình thành tại Đà Nẵng vì sản phẩm nghèo nàn và chỉ có ẩm thực là chủ đạo. “Ban đầu chúng tôi đặt khách sạn gần khu phố đêm này và dự định ở 2 đêm, tuy nhiên sau đêm đầu tiên chúng tôi quyết định sẽ ngủ tại Hội An trong đêm thứ 2”, anh Sơn chia sẻ.
Thời gian gần đây, Đà Nẵng cũng đã đón trở lại một lượng khách quốc tế nhất định, chủ yếu từ Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ; phần nào đó là Hàn Quốc và Âu-Mỹ. Tuy nhiên, theo quan sát, những đoàn khách này do các công ty du lịch khai thác đã có những thay đổi “khẩu vị” về du lịch cũng như lưu trú. Đà Nẵng có lợi thế là điểm đến lớn nhất của các chuyến bay nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay các đoàn khách quốc tế đến Đà Nẵng lựa chọn ở lại đêm ở Huế hay Quảng Nam nhiều hơn thay vì chỉ ở Đà Nẵng như trước đây.
Đây có thể chỉ là những câu chuyện nhỏ lẻ, không thể đại diện cho tình hình lưu trú chung của Đà Nẵng, nhưng theo những người trong cuộc, ngành du lịch Đà Nẵng cần có những giải pháp thực tế để kéo khách ở lại lâu hơn và xa hơn là đạt được mục tiêu đề ra trong đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, theo đề án này, tốc độ tăng trưởng doanh thu lưu trú, lữ hành đạt khoảng 12,75%/năm. Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 17,63%/năm. Năm 2030, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 13-14 triệu lượt, trong đó khách quốc tế do cơ sở lưu trú phục vụ ước khoảng 5,8-6,3 triệu lượt. Ngày lưu trú bình quân khách quốc tế dự kiến là 3,3 ngày, lưu trú bình quân khách nội địa dự kiến là 3,1 ngày.
“Cần xây dựng phòng ban chuyên môn để phân tích các chỉ số cụ thể và các yêu cầu để đạt con số đó”, ông Phan Văn Thức, Tổng quản lý Serene Beach Hotel Đà Nẵng, nói và đưa ra ví dụ để tăng công suất phòng lên 25% mỗi năm nhằm đạt những chỉ tiêu lưu trú trên thì phải rà soát lại tổng số phòng hiện tại. Theo ông Thức – người làm lâu năm trong ngành khách sạn – cần tính toán kỹ tổng số khách tương ứng với số lượng phòng thực tế tại Đà Nẵng và quan trọng là khi tính toán cần trừ ra các khách trở về nhà từ công tác, du lịch, đi trong ngày, thăm và ở nhà người thân.
Và để tăng số đêm lưu trú, tăng doanh thu cho các công ty du lịch hay các khu điểm du lịch, người dân địa phương, ông Thức đề nghị quy hoạch những khu điểm du lịch, ăn chơi lớn.
“Hiện tại, các điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng cũng chỉ đi một hai ngày là đã xem như gần hết. Chúng ta rất cần các khu điểm du lịch bứt phá hay sáng tạo vừa kết hợp vốn tự có, khu nông trại, vườn cây ăn trái, ruộng lúa, cưỡi trâu…”, ông Thức cho hay.
“Lớn hơn là các dự án như công viên đại dương, công viên nước, sở thú, mô hình tàu vũ trụ, dù lượn, kinh khí cầu, các khu điểm du lịch cắm trại như khu Hòa Liên. Bên cạnh đó mô hình chợ đêm, khu phố đi bộ cần được tiếp tục duy trì và quảng bá”.
Cần quy hoạch, thêm dự án động lực
Và để tăng lượng khách lớn như vậy, nhất là tăng số đêm ở bình quân, theo ông Thức, rất cần một kế hoạch đúng đắn. “Tôi nghĩ, chúng ta cần tiếp cận, xúc tiến và mở cửa đón các nước tiềm năng về số đêm ở bình quân cao như Nga, Úc, Âu. Đây cũng là những thị trường có mức chi tiêu cao, nhất là dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, cần có những dịch vụ ăn uống chất lượng và phù hợp với từng nền văn hóa”, ông Thức nhận xét.
Ông Thức chia sẻ thêm, cơ sở hạ tầng và quy hoạch trên diện rộng các cơ sở lưu trú để đáp ứng sự tăng trưởng trên là vấn đề vĩ mô quan trọng. Tổng hợp số lượng cơ sở lưu trú hiện tại cần cải tạo để đạt chất lượng cao; xây dựng, quy hoạch thêm các tổ hợp khách sạn, nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao quốc tế; xây dựng nhiều cung hội nghị có sức chứa lớn để khai thác bổ trợ qua lại là những đề xuất của doanh nhân này.
Về vấn đề này, chia sẻ với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng cho biết các mục tiêu trong đề án rất thách thức, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực thực hiện để khẳng định vị thế của du lịch Đà Nẵng, thực sự đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á, thực hiện vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Để giải quyết thách thức trên, theo ông Dũng, cần nhanh chóng thống nhất quy hoạch phát triển du lịch điểm đến trong tổng thể quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng. Ông Dũng cũng đề xuất tạo ra hệ sinh thái sản phẩm độc đáo với 5 trụ cột bao gồm nghỉ dưỡng biển cao cấp, cửa ngõ di sản, du lịch MICE, du lịch đô thị, du lịch sinh thái rừng núi.
“Chúng ta cũng cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở dịch vụ; giữ gìn môi trường an ninh, an toàn, thân thiện, mến khách; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá điểm đến, kêu gọi triển khai thêm các dự án du lịch động lực, tạo điểm nhấn về sản phẩm”, ông Dũng nói. Theo ông, có thêm các dự án động lực, có sức hút lớn, tạo được sự lan tỏa như các dự án về hạ tầng giao thông, các dịch vụ cao cấp, các sản phẩm mới, các hệ thống dịch vụ quy mô lớn là điều cần thiết. Muốn vậy cần phối hợp cả đầu tư công và đầu tư tư nhân, thu hút các nhà đầu tư lớn, cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, sẽ có 10 không gian du lịch chức năng được quy hoạch. Đó là không gian du lịch ven bờ đông, không gian du lịch vịnh Đà Nẵng, không gian du lịch đô thị trung tâm, không gian du lịch sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh, không gian du lịch “đô thị sân bay” và cảng biển du lịch, không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phía Đông, không gian du lịch sinh thái phía Tây, không gian du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, không gian du lịch gắn với đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ phát triển hình thành 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch MICE, du lịch golf; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái); sản phẩm chính (du lịch ban đêm; du lịch thủy nội địa; du lịch ẩm thực; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn) và sản phẩm bổ trợ (du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe; du lịch cưới; du lịch giáo dục).
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, để đảm bảo việc triển khai đề án đạt hiệu quả, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch triển khai với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có hình thành văn hóa du lịch, xây dựng tiêu chuẩn du lịch chất lượng cao, phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch…
Theo ghi nhận, Đà Nẵng sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để triển khai các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, kết hợp phục vụ du lịch và phục vụ dân sinh, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Các nguồn ngân sách khác phục vụ hoạt động du lịch được phân bổ cho các ngành, địa phương sẽ thông qua kế hoạch kinh phí hàng năm. Đồng thời, huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, nhà đầu tư và từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Nhân Tâm