Nhiều thách thức đối với cân đối ngân sách năm 2021

Năm 2021, tình hình trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức từ yêu cầu duy trì thực hiện 'mục tiêu kép' trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, đang tạo ra nhiều thách thức đối với cân đối ngân sách nhà nước.

Đây là chủ đề được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm “Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 trong bối cảnh bình thường mới”, do Liên minh Minh bạch ngân sách tổ chức chiều ngày 2/11.

Ngân sách giảm thu, tăng chi trong bối cảnh dịch bệnh

Ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết, nhiệm vụ NSNN năm 2020 được triển khai thực hiện trong bối cảnh kinh tế trong nước vừa chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, vừa chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu (hạn hán, mưa đá, lụt lội, xâm nhập mặn trên diện rộng...).

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp tài khóa nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Cụ thể, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 2,12%, tuy là mức tăng thấp nhất giai đoạn 2011 - 2020 song trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 1,8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến từ nay đến hết năm 2020, trường hợp dịch bệnh trong nước cơ bản được khống chế thành công, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt 2 - 3%.

Ông Tân cũng cho biết, trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ NSNN 9 tháng, dự kiến dự toán thu cân đối NSNN cả năm 2020 là 1.512,3 nghìn tỷ đồng. Ước thực hiện thu NSNN cả năm đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so dự toán.

“Đại dịch đã tác động nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế và các khoản thu ngân sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nên thu nội địa giảm. Bên cạnh đó, thu từ dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... cũng đều không đạt như dự toán do tác động tiêu cực của dịch bệnh, là những nguyên nhân khiến ước thực hiện thu năm 2020 sụt giảm so với dự toán” – ông Tân cho biết.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: Thiện Trần

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: Thiện Trần

Cũng theo đại diện Vụ NSNN, trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách khó khăn, nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, trình Quốc hội nguyên tắc điều hành đảm bảo cân đối NSNN năm 2020. Cụ thể, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong phạm vi dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết. Đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước và người lao động... Theo đó, ước thực hiện chi NSNN cả năm đạt 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so dự toán.

“Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cầu tiêu dùng của xã hội, từ đó tác động đến số thu, chi và cân đối NSNN năm 2020. Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, phấn đấu thu đạt mức cao nhất dự toán thu NSNN năm 2020” – đại diện Vụ NSNN cho biết.

Vẫn còn nhiều thách thức

Ông Nguyễn Minh Tân cho biết, trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2021, dự toán NSNN năm 2021 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6% so với năm 2020, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 45 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.

Theo đó, dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Dự toán chi NSNN cân đối NSNN năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng (giảm 3,4%) so với dự toán năm 2020.

“Trong bối cảnh thu NSNN chưa thể phục hồi, để có nguồn lực bố trí chi đầu tư phát triển, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ bội chi NSNN năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 343,67 nghìn tỷ đồng). Đến hết năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 46,1% GDP điều chỉnh, dư nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP điều chỉnh” – ông Tân cho biết thêm.

Góp ý cho dự thảo dự toán NSNN năm 2021, ông Vũ Sỹ Cường – Giảng viên Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính đánh giá, dự thảo dự toán NSNN 2021 có những ưu điểm là đưa ra dự báo thận trọng hơn với cả thu và chi cho năm 2021. Đồng thời, có đánh giá và định hướng cơ bản về thay đổi thu, chi NSNN, trong đó, thuyết minh rõ ràng về thay đổi các khoản thu chính, dự toán chi tiết 10 khoản chi thường xuyên của ngân sách trung ương. Đặc biệt, dự thảo dự toán đã thể hiện sự thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng tích cực hơn, đó là giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển....

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo dự toán NSNN được xây dựng trước khi mưa lũ miền Trung diễn ra vào đầu tháng 10/2020 nên các giải pháp và chính sách nhằm khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ chưa được đề cập trong bản dự thảo dự toán NSNN 2021.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, dự thảo dự toán NSNN 2021 do được xây dựng vào tháng 9, nên những dữ kiện liên quan đến tình hình mưa lũ nghiêm trọng xảy ra tại khu vực miền Trung trong tháng 10 chưa có trong dự thảo dự toán mà Chính phủ đang trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, trong nguồn lực ngân sách luôn có những khoản dự phòng để giải quyết những vấn đề do thiên tai gây ra.

“Vừa rồi, Chính phủ đã quyết định cấp ngay 500 tỷ đồng cho một số tỉnh miền Trung để khắc phục thiệt hại do đợt bão lũ nghiêm trọng gây ra. Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cùng lãnh đạo một số bộ ngành, đã đi vào các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai trực tiếp nắm bắt tình hình, để có thể xem xét triển khai các gói hỗ trợ tiếp theo. Trong trường hợp phát sinh thêm thiên tai trong thời gian tới thì sẽ lấy dự phòng ngân sách năm 2021 để xử lý. Như vậy có thể thấy, nguồn lực ngân sách luôn có những khoản dự phòng đủ lớn để đảm bảo chi kịp thời cho những vấn đề cấp bách như rủi ro do thiên tai” – ông Tân cho biết./.

Diệu Thiện

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-11-02/nhieu-thach-thuc-doi-voi-can-doi-ngan-sach-nam-2021-94498.aspx