Nhiều thách thức từ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, các lực lượng chức năng có nhiều nỗ lực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, những xu hướng chuyển dịch trong tình hình mới đang mang lại không ít thách thức. Ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chia sẻ với phóng viên TBTCVN về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

PV: Ghi nhận trong một vài năm trở lại đây, số lượng cũng như quy mô các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày một gia tăng. Đặc biệt, là sự xuất hiện của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong tình hình đó, lực lượng chức năng đang phải đối diện với những thách thức như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Đông

Ông Trần Đức Đông

Ông Trần Đức Đông: Trước tiên là phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Những năm qua cho thấy xu hướng chuyển dịch buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... diễn biến dưới các hình thức như mang vác vận chuyển nhỏ lẻ qua đường mòn, lối mở. Cư dân biên giới giao dịch, trao đổi, lợi dụng pháp nhân và sự thông thoáng từ khâu thành lập, quản lý doanh nghiệp và ký kết hợp đồng thương mại, khai báo hải quan để thông quan và hậu kiểm, để buôn lậu, gian lận thương mại với quy mô lớn và phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Nhiều đối tượng thành lập các công ty, các đường dây, ổ nhóm, tổ chức buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, gian lận xuất xứ để mua bán hóa đơn lòng vòng nhằm chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng và thu lời bất chính.

Một phương thức nữa là chuyển từ hình thức kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận trực tiếp và truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để kinh doanh, vận chuyển hàng hóa vi phạm qua đường bưu chính chuyển phát nhanh, rất khó cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Hàng hóa buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn công khai mua bán, giao dịch trên môi trường mạng đến tận nhà người dân. Trong khi thực tiễn xử lý còn vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu về lực lượng, biện pháp, ứng dụng khoa học, công nghệ và quan hệ phối hợp để phát hiện, xử lý các loại vi phạm và tội phạm này.

Một điểm khó nữa là cơ chế, chính sách, pháp luật còn chồng chéo, chậm sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Ngoài ra, còn rất nhiều kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các điều kiện tài chính, hậu cần để phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

PV: Trong quá trình đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, có điều gì chúng ta cần rút kinh nghiệm, thưa ông?

Ông Trần Đức Đông: Không thể phủ nhận có một bộ phận đội ngũ cán bộ thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trình độ, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác.

Số vụ việc, vụ án phát hiện hàng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm so với thực tiễn cũng còn hạn chế, đặc biệt là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có tỷ lệ phát hiện so với hàng buôn lậu, hàng cấm còn khiêm tốn hơn rất nhiều, chỉ chiếm 20 - 30%.

PV: Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ triển khai những giải pháp gì để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, thưa ông?

Ông Trần Đức Đông: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành thành viên và các địa phương triển khai một số các nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Ban Chỉ đạo 389, các bộ, ngành, lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp, xây dựng, triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chung trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông theo phương châm tăng về tần suất, đa dạng về hình thức và đảm bảo về nội dung và chất lượng tuyên truyền.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát khó khăn, vướng mắc về quy định của pháp luật về cơ chế phối hợp và các điều kiện khác để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời và từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Một nhiệm vụ nữa là kiện toàn lực lượng thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thành lập lực lượng chuyên sâu, chuyên ngành và đào tạo thường xuyên đào tạo, tập huấn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và ngăn ngừa sớm các sai phạm nhằm bảo vệ cán bộ, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, xác định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và những sai phạm nghiêm trọng trong công tác này.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-thach-thuc-tu-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-131828-131828.html