Nhiều thành công trong thực hiện chiến lược cải cách tư pháp
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt những thành tựu quan trọng và toàn diện các lĩnh vực, trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp với quyết tâm cao. Từ đó, đã gặt hái nhiều thành công trong công tác tư pháp, góp phần nâng cao nhận thức, hoàn thiện các chế định pháp luật và bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ tư pháp được củng cố, kiện toàn.
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, các cấp ủy, tổ chức đảng và đơn vị không ngừng nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm trong việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan. Đặc biệt là các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, trọng tâm, trọng điểm để triển khai nhiệm vụ cải cách tư pháp ở từng giai đoạn, từng năm một cách có hiệu quả nhất.
VKSND tỉnh tạo mọi điều kiện và quan tâm chăm bồi cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên hai cấp. Ảnh: C.H
Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Việt Hoàn - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, quá trình thực hiện nhiệm vụ, VKSND đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để quản lý, điều hành sát với nhiệm vụ cải cách tư pháp. Theo đó, tập trung nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. VKSND hai cấp còn thực hiện tốt công tác kiến nghị, kháng nghị trong tất cả các lĩnh vực. Chú trọng công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù. Thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại các cơ quan tư pháp. Qua công tác tiếp dân đã lồng ghép có hiệu quả tuyên truyền cải cách tư pháp để nhân dân hiểu rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát.
TAND tỉnh tổ chức nhiều chuyên đề, hội nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác. Ảnh: C.H
Luôn chú trọng thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, đồng chí Thái Rết - Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, cho biết: Đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề nhằm áp dụng pháp luật một cách thống nhất và nâng cao kỹ năng xét xử cho cán bộ tư pháp, hội thẩm nhân dân. Đặc biệt, quan tâm tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và hướng dẫn của TAND Tối cao. Từ đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Ngoài ra, còn tiếp tục tập trung thực hiện 14 giải pháp của TAND Tối cao và 3 giải pháp do TAND tỉnh đề ra với mục tiêu là không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử. Nhờ vậy, dù hàng năm, số lượng án thụ lý các loại không ngừng gia tăng (trung bình mỗi năm tăng trên 500 vụ), tính chất vụ việc phức tạp hơn so với trước nhưng TAND hai cấp vẫn hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao, chất lượng giải quyết án luôn được đảm bảo, án bị hủy, sửa chiếm tỷ lệ thấp.
Mỗi đơn vị, ở lĩnh vực công tác đều nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Uốt - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) khẳng định: “Cơ quan THADS hai cấp đã đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực, phấn đấu không ngừng nâng cao về chất lượng trong công tác. Hiện trung bình mỗi năm thi hành xong từ 7.000 đến 9.000 vụ việc; giá trị thi hành khoảng 300 tỉ đồng”. Cục THADS thường xuyên rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, kịp thời báo cáo, đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên... Không những vậy, các cơ quan tư pháp còn tập trung kiện toàn, tổ chức, sắp xếp bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; công tác bổ nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển được thực hiện nghiêm túc, khách quan, phù hợp trình độ, năng lực của từng chức danh, vị trí công tác. Các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Các đơn vị tạo mọi điều kiện cho cán bộ, công chức học tập để có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng đề án quy hoạch cán bộ chủ chốt, đảm bảo nguồn cán bộ kế thừa; quy hoạch đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị.
TAND tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: C.H
Có những kết quả trên, Ban Nội chính Tỉnh ủy (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh) đã có sự đóng góp khá lớn trong việc tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ về công tác cải cách tư pháp trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Cụ thể, tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp; thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan trong khối nội chính; tổ chức làm việc với các cơ quan tư pháp tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khẩn trương giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài… Từ đó, không chỉ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ngày càng đạt hiệu quả cao mà công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được đẩy mạnh, tỷ lệ hòa giải thành đạt cao; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm. Đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của HĐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đối với các cơ quan tư pháp tiếp tục được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp, lãnh đạo các cơ quan tư pháp tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49 và các văn bản có liên quan, nhất là chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Kiện toàn tổ chức, hoạt động của TAND, VKSND, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, cơ quan THADS theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, gắn cải cách tư pháp với cải cách hành chính. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ tư pháp cả về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.