Nhiều thành tựu nổi bật trong thực hiện Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, giai đoạn 2016 - 2020, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại trên địa bàn toàn tỉnh đã từng bước tăng dần từ 148.463ha (năm 2016) lên 178.095ha (năm 2020), vượt gần 30% so kế hoạch đề án. Trong năm 2020, diện tích gieo trồng lúa đặc sản tại 7 huyện, thị xã vùng đề án đạt 153.983/178.095ha toàn tỉnh, vượt 12% so với chỉ tiêu kế hoạch đề án đặt ra, nâng diện tích sản xuất lúa đặc sản toàn tỉnh gần 52% diện tích lúa canh tác, sản lượng lúa đặc sản đạt trên 1 triệu tấn.

Để Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh thành công, lãnh đạo tỉnh đã giao ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương thực hiện nhiều công việc, như: tiến hành khảo sát tại các xã vùng đề án cũng như các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) chuyên lúa thuộc 7 huyện, thị xã vùng đề án để nắm các hoạt động và hỗ trợ các HTX, THT cùng doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ lúa đặc sản thuộc vùng đề án. Đến thời điểm hiện tại, sau khi đề án hỗ trợ đã có 54 HTX và 371 THT có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp, công ty... và diện tích có hợp đồng liên kết bao tiêu trên 53.173ha.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ phải qua) trong lần đến thăm cánh đồng lúa tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ phải qua) trong lần đến thăm cánh đồng lúa tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng thời, xác định giống là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công của mùa vụ sản xuất lúa trong năm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành sản xuất giống siêu nguyên chủng để phục vụ cho việc nhân giống nguyên chủng cung cấp giống xác nhận cho các câu lạc bộ, THT, HTX và bà con nông dân; nghiên cứu khảo nghiệm các dòng, giống lúa đặc sản chất lượng cao và thực hiện các bộ quan sát sơ khởi, trắc nghiệm hậu kỳ, sản xuất thử, so sánh 200 dòng lúa đã tuyển chọn được một số dòng có triển vọng như: D2-6, D21-3, D23-3, D37-2, ST13 ĐB... và một số giống lúa có khả năng chống chịu mặn. Qua đó, mạng lưới nhân giống, sản xuất lúa thơm chất lượng cao tại các câu lạc bộ, tổ giống, nông dân thực hiện gần 62%, số hộ sản xuất lúa áp dụng phương pháp sạ hàng hoặc cấy máy hơn 54% và 77% hộ thực hiện canh tác khử lẫn trong sản xuất giống.

Song song đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các huyện vùng đề án sản xuất giống xác nhận với tổng diện tích 481ha, sản lượng lúa giống đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận khoảng 2.000 tấn, các giống như: ST5, ST20, OM4900, LP8. Tiến hành xây dựng 42 mô hình trình diễn các giống lúa mới, như giống: LP8, ST20, ST24. Bên cạnh đó, thực hiện khuôn khổ đề án, ngành nông nghiệp đã xây dựng 26 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa đặc sản với tổng diện tích 1.112ha/1.040 nông dân tham gia. Trong đề án còn thực hiện mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất gắn với liên kết doanh nghiệp bao tiêu lúa ngay từ đầu vụ. Thêm vào đó, đề án đã thực hiện 34 mô hình công nghệ sinh thái, tập huấn hướng dẫn cho 1.160 nông dân ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, trồng hoa quản lý côn trùng gây hại, sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học... lợi nhuận các mô hình đạt được từ 19 - 20 triệu/ha. Ngoài ra, đề án đã thực hiện 16 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, quy mô từ 15 - 20ha/mô hình vùng sản xuất lúa - tôm tại huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, vùng sản xuất lúa - cá của TX. Ngã Năm; 4 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá đồng và trồng cây ăn trái, các mô hình trên đều có gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra... Tổ chức nhiều gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm gạo đặc sản như gạo ST (gồm có ST20, ST24, ST đỏ, ST tím… gạo Tài nguyên sữa mùa Thạnh Trị)…

Ông Võ Văn Hoa, ấp Thạnh Hòa, Thạnh Quới (Mỹ Xuyên) thông tin: “Nhiều năm qua, tôi canh tác lúa đặc sản ST24 đem lại nguồn thu nhập rất tốt bởi được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa đầu ra, sau thu hoạch, giá bán tốt hơn so với các giống lúa thường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Vì tôi trồng lúa trên đất nuôi tôm nên lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Việc sản xuất lúa ST24 trên nền nuôi tôm rất hiệu quả và phù hợp thổ nhưỡng vùng đất nên năng suất lúa ổn định theo từng vụ, cùng với đó người dân sản xuất lúa ST24 rất tự hào khi lúa đạt giải cao tại hội thi gạo ngon nhất thế giới. Vì vậy, tôi sẽ gắn bó lâu dài với giống lúa ST24 cũng như góp phần vào sự thành công của Đề án Phát triển lúa đặc sản của tỉnh”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã đánh giá, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển lúa đặc sản đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất lúa của nhiều nông dân, thể hiện rõ nhất là qua sản lượng lúa đặc sản toàn tỉnh đạt trên 1 triệu tấn/năm cùng với đó nhiều HTX, THT được thành lập mới và củng cố giúp nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ có hiệu quả. Việc sản xuất theo cánh đồng lớn ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật cũng được phát triển mạnh mẽ. Hiệu quả áp dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa đặc sản và quản lý dịch hại theo hướng bền vững, giúp giảm nguy cơ về thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, đề án góp phần nâng cao năng lực cho nông dân trong việc nhân giống lúa, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã có một số kết quả tốt đẹp. Đề án góp phần đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP tạo ra các sản phẩm an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và giữ môi trường canh tác bền vững.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/nhieu-thanh-tuu-noi-bat-trong-thuc-hien-de-an-phat-trien-san-xuat-lua-dac-san-47010.html