Nhiều thay đổi lớn tại 'Bach khoa Innovation' lần IV

Sáng nay, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) chính thức khởi động Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 'Bach khoa Innovation' lần IV, năm 2021, với nhiều thay đổi lớn hứa hẹn thu hút đông đảo sinh viên tại TP. HCM tham dự.

Cuộc thi do trường ĐH Bách khoa phối hợp với Sở KH&CN TP. HCM tổ chức. Quy mô và thể lệ "Bach khoa Innovation" năm nay có nhiều thay đổi so với các lần trước. Theo đó, các sinh viên thuộc các trường ĐH, CĐ và cả THPT tại khu vực TP. HCM và các tỉnh lân cận đều có thể đăng ký tham gia.

Các chuyên gia chia sẻ với sinh viên ĐH Bách khoa TP. HCM về khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học.

Năm nay, cuộc thi sẽ trải qua 3 vòng. Ngoài ra còn có các buổi hội thảo, tư vấn tham quan doanh nghiệp với cơ cấu tổng giải thưởng lên đến hơn 500 triệu đồng. Các đội TOP 5 sau vòng chung kết còn nhận được sự hỗ trợ trong quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ và đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Thời gian đăng ký đến hết ngày 23/02/2021.

PGS. TS Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cuộc thi có sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ với các mô hình kinh doanh thực tiễn vì vậy sinh viên không những phát huy khả năng vận dụng kiến thức đã học tập vào thực tế mà còn khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của bản thân. Sân chơi này không chỉ dừng lại ở các mô hình thử nghiệm mà còn là cầu nối để sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp cùng hợp tác để biến các ý tưởng thành sản phẩm cụ thể cũng như mở ra các hướng phát triển xa hơn.

Sinh viên trường ĐH Bách Khoa TP.HCM giành giải thưởng tại một cuộc thi sáng tạo.

Qua 4 lần tổ chức, cuộc thi đã nhận được rất nhiều những đề tài có ý tưởng mới lạ, độc đáo, ứng dụng vào thực tiễn: dự án Hệ thống lọc không khí sử dụng TiO2 lắp đặt trên xe bus của nhóm Air Mask, Dự án NanoC.A.T - một loại thuốc nhuộm không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, chất lượng mà còn thân thiện với môi trường, Dự án “Smart Barrier” với tấm cách nhiệt, để nhiệt lượng bên ngoài không có khả năng truyền vào nhà, giảm một lượng nhiệt đáng kể, Dự án “Germicidal Wavelengths (GW)” sử dụng đèn uv và xúc tác vô cơ để diệt vi khuẩn; Dự án BIOGOLD - biến bùn giấy thành vật liệu siêu bền - đề tài này cũng chiến thắng Tech Planter châu Á 2020...

Ngoài ra, một số dự án đã được ươm mầm thành công và thương mại hóa sản phẩm như: Dự án Blocky về xây dựng những bộ dụng cụ học tập (KIT) giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, kiến thức internet vận vật (IoT) và lập trình trong xu thế giáo dục STEM; Dự án Easy Location với những ứng dụng đơn giản, thiết thực trong việc tìm kiếm địa điểm v.v.

Khoa Tư

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/nhieu-thay-doi-lon-tai-bach-khoa-innovation-lan-iv-1779711.tpo