Nhiều thế mạnh ở trường đại học đầu tiên đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh
Chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh mở ra nhiều cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, công ty công nghệ, tập đoàn đa quốc gia.
Đứng trước sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cũng đã cập nhật những nội dung để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực sản xuất thông minh.
Nắm bắt được xu thế đó, từ năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã bắt đầu tuyển sinh đào tạo trình độ đại học nhân lực lĩnh vực Kỹ thuật sản xuất thông minh. Đây là chương trình đào tạo thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa.
Cơ sở đầu tiên đào tạo chương trình Kỹ thuật sản xuất thông minh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Văn Huy - Trưởng chương trình Kỹ thuật sản xuất thông minh, Khoa Điện (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã có những chia sẻ về chương trình đào tạo này.
Theo đó, Khoa Điện (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) mở chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường lao động trong bối cảnh công nghệ mới phát triển rất mạnh mẽ như công nghệ IoT, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những kỹ sư có khả năng ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất để tối ưu hóa chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chương trình đào tạo này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, nhu cầu được đào tạo của các học sinh phổ thông, các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp đang tham gia sản xuất các chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu.
Đến năm 2030, dự báo nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt trong các ngành sản xuất và công nghệ cao.
Chia sẻ về thực tiễn đào tạo chương trình này, Tiến sĩ Bùi Văn Huy cho biết: “Việt Nam hiện nay đang có lợi thế lớn từ chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao của Chính phủ, cùng với sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt giảng viên có trình độ cao và cơ sở vật chất tại nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu.
Với Khoa Điện (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội), chúng tôi tự hào về cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm các phòng thí nghiệm tiên tiến và hệ thống máy móc, thiết bị cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhà trường cũng có quan hệ đối tác sâu rộng với nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, mang đến cơ hội thực hành và tiếp cận công nghệ thực tế cho sinh viên. Kế hoạch của nhà trường là tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, mở rộng các chương trình hợp tác quốc tế và có chính sách thu hút các chuyên gia hàng đầu tham gia giảng dạy”.
Trưởng chương trình Kỹ thuật sản xuất thông minh cũng chỉ ra những điểm mạnh trong chương trình đào tạo: “Trước tiên, đây là một chương trình đào tạo chuyên sâu của lĩnh vực Tự động hóa, sinh viên học chương trình này được cấp bằng đại học Công nghệ kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, chương trình Kỹ thuật sản xuất thông minh.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên đào tạo chương trình này. Chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh tại nhà trường có nhiều điểm mạnh nổi bật.
Đầu tiên là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức mà còn thành thạo kỹ năng thực hành. Chương trình được xây dựng trên cơ sở huy động trí tuệ tập thể của các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực Điều khiển tự động hóa trong và ngoài Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Đặc biệt, có sự đóng góp, góp ý từ các chuyên gia đến từ các tập đoàn lớn (chẳng hạn ABB, Yaskawa Electric Việt Nam), các cán bộ kỹ thuật đang trực tiếp tham gia quá trình sản xuất trong công nghiệp. Điều này đã đảm bảo chương trình có tính cập nhật và bám sát thực tiễn.
Điểm sáng đặc biệt trong chương trình đào tạo của nhà trường là mô hình liên kết với doanh nghiệp, trong đó sinh viên có cơ hội tham gia vào các dự án thực tế ngay từ khi còn học, tiếp cận trực tiếp với công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất tiên tiến. Ngoài ra, những ý kiến phản hồi của doanh nghiệp cũng là những yếu tố quan trọng để giúp chúng tôi cập nhật chương trình đào tạo.
Cùng với đó, chúng tôi cũng chú trọng đào tạo kỹ năng mềm như quản lý dự án, làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp, đảm bảo sinh viên có đầy hành trang để thành công trong môi trường làm việc toàn cầu”.
Theo Tiến sĩ Bùi Văn Huy, sinh viên theo học Kỹ thuật sản xuất thông minh cần có nền tảng vững chắc về Toán, Vật lý và Tiếng Anh.
“Chúng tôi xét tuyển theo các tổ hợp môn A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Lý, Anh).
Trong chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh ngoài các kiến thức nền tảng như toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tiếng Anh,… các kiến thức chuyên môn sẽ được chia thành 3 khối gồm kiến thức cơ bản, kiến thức công nghệ cốt lõi, khối kiến thức và kỹ năng ứng dụng. Trong đó:
Khối kiến thức cơ bản về lĩnh vực kỹ thuật điện, cảm biến, điều khiển thường được sử dụng trong hệ thống sản xuất công nghiệp và các công nghệ sản xuất tiên tiến.
Khối Công nghệ cốt lõi bao gồm công nghệ về hệ thống sản xuất thông minh, công nghệ điều khiển, tích hợp đặc biệt nhấn mạnh sự tích hợp hệ thống dựa trên các phần tử, các robot công nghiệp và các tiêu chuẩn, qui chuẩn và các qui định tích hợp.
Khối kiến thức và kỹ năng ứng dụng để xử lý dữ liệu thông minh, ứng dụng các phần mềm để thực hiện việc tích hợp hệ thống sản xuất thông minh, linh hoạt, quản trị các quá trình sản xuất,…
Chúng tôi kỳ vọng công tác tuyển sinh năm nay sẽ thu hút được những học sinh tài năng và đam mê công nghệ. Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 50 sinh viên” - thầy Huy cho biết thêm.
Cơ hội việc làm rộng mở tại các doanh nghiệp sản xuất, công ty công nghệ, tập đoàn đa quốc gia
Tiến sĩ Bùi Văn Huy cũng thông tin thêm: “Chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh mở ra rất nhiều cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp sản xuất, công ty công nghệ, và các tập đoàn đa quốc gia. Mức thu nhập khởi điểm cho sinh viên mới ra trường có thể dao động từ 15-30 triệu đồng/tháng, và có thể tăng cao hơn tùy vào năng lực và kinh nghiệm.
Các mô hình liên kết với doanh nghiệp của nhà trường không chỉ giúp sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc thực tế mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho sinh viên khi ra trường.
Là một trong các thành viên xây dựng chương trình, ông Huỳnh Phong Phú - Giám đốc Ban Robot và Tự động hóa, Nhà máy ABB Việt Nam cho biết: “Nếu như trước đây, khách hàng của ABB là các công ty có vốn đầu tư vốn nước ngoài, vốn đã biết được lợi ích của việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất thông minh vào sản xuất, thì hiện nay, lượng khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam gia tăng đáng kể khi thấy được yêu cầu cần thiết của việc đảm bảo chất lượng đồng đều, năng suất cao và ổn định cùng với giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Những nội dung người học được đào tạo trong chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang rất sát với những công việc mà kỹ sư Ban Robot và Tự động hóa, Nhà máy ABB Việt Nam đang triển khai”.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Quang - Giám đốc khu vực phía bắc Công ty TNHH Yaskawa Electric Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, các nhà máy xây dựng và áp dụng kỹ thuật sản xuất thông minh chủ yếu tập trung ở các nhà máy lớn như SamSung, Vinfast, Canon,…
Tuy nhiên, trong tương lai không xa, mức độ ứng dụng sản xuất thông minh trong các nhà máy là phổ biến, một số nhà máy cũ sẽ có nhu cấp nâng cấp cải tiến.
Chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là chương trình đào tạo có thể nói là đầu tiên ở Việt Nam về lĩnh vực này. Mục tiêu tập trung vào thiết kế hệ thống, tích hợp hệ thống và quản lý hệ thống là phù hợp với định hướng phát triển chung của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Nội dung chương trình có tính cập nhật rất cao, có tính liên ngành và theo hướng ứng dụng.
Tôi tin tưởng, chương trình này sẽ đào tạo ra được những cán bộ kỹ thuật tốt có thể nắm bắt nhanh trước sự thay đổi của công nghệ, đây có thể coi là chương trình của hiện tại và tương lai”.
Ông Nguyễn Quốc Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giải pháp tự động hóa ATEK cũng đánh giá: “Thực ra, tại Việt Nam hiện nay, nền sản xuất đã có rồi, vấn đề đặt ra là làm sao để nền sản xuất ấy trở nên thông minh hơn nhằm tăng năng suất lao động.
Công ty chúng tôi hiện đang triển khai các công việc rất sát với các mục tiêu đào tạo của chương trình.
Tôi đánh giá rất cao chương trình đào tạo này. Đây là chương trình đào tạo cho cử nhân đại học có tầm nhìn hệ thống, chương trình đào tạo không đào tạo quá sâu về các kỹ năng lập trình mà tập trung vào các kỹ năng tích hợp hệ thống, cấu hình thiết bị và hệ thống, khai thác các công cụ phần mềm, đặc biệt các phần mềm dùng để mô phỏng nhà máy...”.
Tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng thí nghiệm hiện đại và công cụ hỗ trợ học tập
Để nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực Kỹ thuật sản xuất thông minh, Tiến sĩ Bùi Văn Huy kiến nghị tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thí nghiệm hiện đại và các công cụ hỗ trợ học tập.
“Việc đào tạo giảng viên và thu hút các chuyên gia quốc tế cũng rất quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh đó, cần phát triển các học liệu số và xây dựng các khóa học trực tuyến để sinh viên có thể tự học và nghiên cứu thêm.
Việc hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi để đảm bảo chương trình đào tạo luôn cập nhật và phù hợp với nhu cầu thị trường” - thầy Huy nhấn mạnh.