Nhiều thí sinh chắc suất vào đại học dù chưa thi tốt nghiệp THPT
Dù 3 tháng nữa mới diễn ra thi tốt nghiệp THPT, nhưng nhiều em đã chắc suất vào đại học nhờ xét tuyển sớm bằng học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực.
Chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Nguyễn Phương Linh, lớp 12, trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cảm nhận không quá áp lực như một số bạn đồng trang lứa, vì đã sở hữu chứng chỉ IELTS 7.0. Phương Linh sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển sớm vào đại học.
"Em nộp hồ sơ vào trường Đại học Ngoại thương theo phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập 3 năm bậc THPT. Ngoài ra, em cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để nộp vào một số trường đại học khác", Phương Linh cho biết.
Theo Phương Linh, việc sở hữu chứng chỉ IELTS 7.0 là lợi thế lớn so với các bạn khác trong cuộc đua vào đại học. Vậy nên ở giai đoạn nước rút này, nữ sinh không quá căng thẳng nhưng vẫn sẽ cố gắng hết sức ở bài thi tốt nghiệp THPT để nắm chắc cơ hội vào đại học.
Năm nay, em Phạm Đức Huy, lớp 12, trường THPT Nguyễn Trãi (Nam Định) sử dụng phương thức xét học bạ THPT để vào trường Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội), ngôi trường cậu yêu thích. Nhận thấy mỗi năm số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lại đông hơn, sức cạnh tranh tăng nên Đức Huy quyết định sử dụng phương thức xét tuyển sớm để tránh trường hợp rủi ro khi điểm chuẩn tăng cao.
Ở phương thức xét tuyển học bạ, trường Đại học Mỏ - Địa chất đưa ra điều kiện thí sinh tốt nghiệp THPT và có tổng điểm trung bình các môn học khối thi 3 học kỳ (lớp 11, và học kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm và hạnh kiểm khá trở lên. Với phương thức xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thì sinh cần đảm bảo điều kiện có chứng chỉ từ IELTS 4.5 trở lên. "Cả hai tiêu chí này em đều có thể đáp ứng”, Đức Huy nói.
Bản thân Đức Huy quan sát thấy xu hướng xét học bạ THPT hay xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Vì vậy, việc đăng ký xét tuyển sớm giúp nam sinh cảm thấy an tâm hơn trên hành trình chinh phục cánh cổng đại học.
Không riêng Phương Linh, Đức Huy, nhiều thí sinh và bậc phụ huynh khác cũng lựa chọn các phương thức xét tuyển sớm để chắc suất vào đại học năm nay.
Đồng hành cùng con từ những năm đầu phổ thông, anh Bùi Thế Anh (quận Thanh Xuân) có con là học sinh lớp 12 tại Hà Nội cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ phải chịu áp lực rất lớn khi điểm chuẩn những năm gần đây có nhiều biến động.
“Từ đầu năm, gia đình quyết định tìm hiểu các phương thức xét tuyển đại học sớm để giảm áp lực cho con. Chỉ mong con giữ tinh thần thoải mái nhất trước khi bước vào kỳ thi quan trọng của đời học sinh”, anh Thế Anh tâm sự.
Xét tuyển sớm bao gồm các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, được các trường đại học thu nhận hồ sơ và công bố kết quả xét tuyển sớm như: Xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển... Kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Hiện nhiều trường đại học dành chỉ tiêu lớn cho các phương thức này.
Chẳng hạn, năm nay Học viện Ngoại giao dành tới 70% chỉ tiêu xét tuyển học bạ và kết hợp chứng chỉ quốc tế, áp dụng với thí sinh đạt giải cấp tỉnh trở lên hoặc học trường chuyên. Đại học Bách khoa Hà Nội dành khoảng 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, khoảng 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy.
2024 cũng là năm đầu tiên khối trường quân đội dành 10% tuyển sinh bằng học bạ (trừ Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân Y), 20% từ điểm thi đánh giá năng lực của hai Đại học quốc gia.
Cô Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên trường THPT chuyên Thái Bình đánh giá, các phương thức xét tuyển sớm có thể mang tới cho thí sinh thêm cơ hội trúng tuyển đại học.
“Nếu kết quả học bạ 3 năm THPT của các em tốt, các em nên coi đó là lợi thế và không nên bỏ qua phương thức xét tuyển này. Khi đủ điều kiện trúng tuyển về điểm học tập THPT, chỉ cần vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT là được công nhận trúng tuyển chính thức", cô Lĩnh nói và cho rằng việc đăng ký xét tuyển sớm có thể giúp giảm áp lực đáng kể trong chặng đua vào đại học.
Nữ giáo viên cũng khuyên thí sinh, dù trúng tuyển sớm, nhưng cũng không được lơ là kỳ thi tốt nghiệp THPT và cần nắm vững quy trình tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, tránh bị trượt oan.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023 số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm là 214/322 trường. Số thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm là hơn 375.500. Số nguyện vọng trúng tuyển sớm là 1,2 triệu. Số thí sinh trúng tuyển sớm sau lọc ảo là hơn 301.800. Số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (trúng tuyển sau lọc ảo) là trên 147.300 em.