Nhiều thủy điện ở Quảng Nam lộ rõ bất cập về quản lý, vận hành
Nhiều bất cập về quản lý, vận hành các thủy điện ở Quảng Nam đã lộ rõ, trong đó có ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nước ở hạ du vào mùa cạn.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa báo cáo bổ sung đến Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh có Dự án thủy điện Đắk Mi 4 thuộc Quy hoạch thủy điện bậc thang (Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương, lập, thẩm định, phê duyệt) trong quá trình vận hành có chặn dòng chảy về sông Vu Gia để phát điện.
Tuy Dự án thủy điện Đắk Mi 4 đã thực hiện tốt quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu (lượng tối đa không quá 25m3/s) theo Giấy phép sử dụng nước mặt do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, nhưng một số thời điểm, nhất là mùa cạn có ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nước ở hạ du (TP. Đà Nẵng).
Các nhà máy thủy điện (NMTĐ) vận hành theo thị trường điện hiện nay phải cam kết sản lượng hợp đồng từ đầu năm với bên mua điện (EVN).
Điều này rủi ro rất lớn cho các NMTĐ vì hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết và nhu cầu sử dụng nước (không ổn định) ở hạ du, khó chủ động vận hành đáp ứng sản lượng hợp đồng theo yêu cầu. Tuy nhiên, nếu không đảm bảo sản lượng điện theo cam kết sẽ bị phạt hợp đồng.
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, công tác vận hành hệ thống điện đáp ứng yêu cầu về an ninh năng lượng còn một số vấn đề chưa phù hợp với các Quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện, nhu cầu sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa thủy điện.
Việc huy động điện được thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương về đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã làm cho một số hồ chứa thủy điện vi phạm các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quy trình 1865).
Một số nhà máy điện phát điện vượt công suất định mức (công suất theo thiết kế) nhưng trong phạm vi sai số cho phép về mặt kỹ thuật của các tổ máy.
Trong khi đó, việc phát điện vượt này đồng thời với việc lưu lượng qua các tổ máy lớn hơn lưu lượng xác định, cho phép trong Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Thực tế này dẫn đến sản lượng điện vượt này không được đơn vị mua bán điện thanh toán cho các nhà máy thủy điện, ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà máy thủy điện.
Trong khi lượng nước về thừa không phát qua các tổ máy mà xả qua tràn thì không vi phạm Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt nhưng như vậy sẽ lãng phí nguồn nước, không phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn nước.
Các dự án năng lượng ở Quảng Nam hiện nay đa số nằm ở các khu vực miền núi (khu vực đồng bằng, trung du cơ bản đã hoàn thiện) nên ít nhiều đều có tác động đến các loại đất rừng, rừng, việc thực hiện các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang mục đích khác ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực hiện đầu tư các dự án năng lượng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng không có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc thực hiện các thủ tục này mặc dù Đảng, Chính phủ khuyến khích phát triển, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết phải đảm bảo tỷ lệ hộ sử dụng điện.
Cá biệt, Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Quảng Nam thực hiện từ giai đoạn 2005 - 2010 và được HĐND tỉnh Quảng Nam thống nhất thông qua từ năm 2010.
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai quy hoạch thì bị vướng bởi các quy hoạch khác như đất đai, bảo vệ phát triển rừng, thậm chí có dự án năng lượng đã được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất năng lượng và đã vận hành phát điện từ lâu, nhưng vẫn còn trong quy hoạch 3 loại rừng (Dự án thủy điện An Điềm 2).
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, tại Điều 14 và Phụ lục III quy định đối với các dự án thủy điện có dung tích 100 triệu m3 trở lên hoặc có sử dụng đất rừng phòng hộ/đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên, sau này là dự án thủy điện có quy mô sông suất từ 20MW trở lên (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 18/2015/NĐ-CP) thì thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, viện dẫn quy định tại điểm d, Điều 28 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước: "Các dự án khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000kW trở lên thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường" đã yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện từ 2 MW phải trình Bộ Tài nguyên và Môi trường hồ sơ đánh giá tác động môi trường để thẩm định, phê duyệt.
Từ đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc sử dụng quy định Luật Tài nguyên nước áp dụng cho việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường đã tác động, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đầu tư của các dự án.