Nhiều tiềm năng, vì sao du lịch ở Kon Tum chưa phát triển?
Tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu đến năm 2025, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đón 3,3 triệu lượt khách du lịch...
Với lợi thế và tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu phát triển ngành du lịch tỉnh nhà đến năm 2025, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng trưởng trung bình 14%/năm...
Tiềm năng lớn, khát vọng lớn!
Ngày 24/4, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Kon Tum tổ chức diễn đàn "Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” nhằm tìm các giải pháp phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển du lịch Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đặc sắc, có tiềm năng phát triển du lịch như núi Ngọc Linh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, nơi lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm trong đó có sâm Ngọc Linh; cột mốc Ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia; khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen - Kon Plông - được mệnh danh thiên đường sinh thái với không khí trong lành, quanh năm mát mẻ...
Đây cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú...
Tỉnh Kon Tum thông qua kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với mục tiêu đến năm 2025, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng trưởng trung bình 14%/năm; đến năm 2030, tăng gấp 2 lần về lượng khách, hình thành được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tương đối đồng bộ; hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối thuận lợi; nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển.
Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, sắp tới tỉnh Kon Tum sẽ tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt để thu hút khách du lịch.
“Sắp tới tỉnh sẽ tập trung xây dựng khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, xây dựng ở đây sản phẩm sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Đây là những sản phẩm du lịch mà tỉnh Kon Tum có nhiều tiềm năng, đậm đặc văn hóa bản địa của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh đang có những thế mạnh, xây dựng sản phẩm du lịch khám phá mạo hiểm như rừng Quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, rừng đặc dụng Đăk Uy… Đây là những sản phẩm hết sức đặc thù của Kon Tum. Sở cũng đang phối hợp với huyện Tu Mơ Rông cùng với Công ty Sâm Ngọc Linh xây dựng sản phẩm du lịch sâm Ngọc Linh”, ông Bình nói.
Nhiều khó khăn cản bước tiến
Tỉnh Kon Tum cũng có nhiều khó khăn làm "cản bước tiến" của ngành du lịch của tỉnh nhà. Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến ngành du lịch tỉnh Kon Tum chưa phát triển xứng tầm được đặt ra đó là vấn đề về đường sá, giao thông.
Bà Trần Nguyệt - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun Group cho biết: “Những cơ sở hạ tầng bao gồm đường không, đường bộ đều chưa có sự kết nối. Đối với khách sạn, chúng ta đang thiếu khách sạn 4 - 5 sao, thậm chí khách sạn 2-3 sao lúc cao điểm cũng bị thiếu", bà Nguyện nói và ví Kon Tum trong ngành du lịch “như một tờ giấy trắng”.
"Chúng ta phải đối diện với sự thật phũ phàng nhưng không đánh mất niềm tin. Đó là vấn đề quy hoạch điểm đến, Kon Tum chưa có quy hoạch cụ thể, chưa có các nhà đầu tư có tâm, có tầm và xứng tầm để thực hiện được khát vọng này.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho rằng: "Nhìn thấy những tiềm năng du lịch to lớn của Kon Tum nói riêng và của Tây Nguyên nói chung. Hai điểm nhấn đó là Kon Tum và Tây Nguyên có một hệ thống quang cảnh thiên nhiên rất đẹp, rất phù hợp để phát triển du lịch. Ở đó đã có những di sản thiên nhiên ban tặng cho con người ở vùng đất này, cùng với đó, tài nguyên văn hóa hết sức đặc sắc chỉ riêng có".
"Người dân Tây Nguyên, Kon Tum rất đoàn kết, chân thật, hiền hòa và mến khách. Họ chính là những con người đang kiến tạo, làm nên và giữ gìn văn hóa. Họ chính là chủ nhân để thực hành các hoạt động du lịch khi chúng ta triển khai mạnh các dự án du lịch cộng đồng”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho rằng, Tây Nguyên và Kon Tum đang có khó khăn, dễ nhìn thấy nhất là hạ tầng du lịch chưa đồng bộ nếu như không muốn nói rất thấp kém. Sản phẩm du lịch rất đơn điệu, manh mún nhỏ lẻ. Nhân lực để làm du lịch chưa chuyên nghiệp và bài bản.
Theo ông Hùng, để giải quyết những bài toán khó khăn này, sắp tới ngoài việc phối hợp liên kết hành động phát triển du lịch theo hướng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là phải quy hoạch lại hệ thống du lịch và các điểm đến du lịch của Kon Tum, phải được kết nối vào trong quy hoạch du lịch và điểm đến du lịch của Quốc gia; Cần phải phát huy lợi thế của du lịch cộng đồng, tôn tạo các di sản để chờ đón và thông qua du lịch cộng đồng tạo ra một điểm nhấn, hút khách, khi lượng khách tăng lên nhà đầu tư sẽ tìm đến với Kon Tum.