Nhiều tiện ích chi trả chế độ qua tài khoản

Với quan điểm 'lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ', Bảo hiểm Với quan điểm 'lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ', Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH. Người thụ hưởng tự lựa chọn hình thức phù hợp nhất, khuyến khích nhận chế độ qua tài khoản ATM.

Triển khai nhiều hình thức chi trả

Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp, mà còn tăng tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lần thứ 8 ngày 24/4. Là cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế với đối tượng phục vụ lớn, thời gian qua, BHXH bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 149/QĐ-TTg, ngày 22/1/2020 về phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng”; Quyết định 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu: “60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt”, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch 1823/KH-BHXH, ngày 9/6/2020 về việc “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng từ năm 2020 - 2025”.

Hàng năm, ngành thực hiện giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, TCTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị cho BHXH tỉnh, thành phố. Trong đó, đưa ra giải pháp để BHXH các tỉnh thực hiện phát triển số người nhận chế độ BHXH, TCTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Kết quả, toàn quốc có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 3% so năm 2022), vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 47%; chế độ BHXH một lần đạt 94%; TCTN đạt 98%. Việc chi trả các chế độ qua tài khoản cá nhân đã và đang mang lại nhiều lợi ích, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, được đông đảo người tham gia đánh giá cao.

Nhiều tiện ích

Thực hiện quy định Điều 18, Luật BHXH 2014, thời gian qua, ngành BHXH tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, triển khai hiệu quả các hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH linh hoạt, phù hợp, nhưng khuyến khích nhận chế độ qua tài khoản ATM. Theo đó, người hưởng có quyền lựa chọn hình thức nhận lương hưu và trợ cấp BHXH đầy đủ, kịp thời, trong đó, chọn một trong các hình thức chi trả.

Thứ nhất, nhận trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền. Thứ hai, thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng. Thứ ba, thông qua người sử dụng lao động.

Đặc biệt, tại hợp đồng ủy quyền chi trả các chế độ và quản lý người hưởng BHXH hàng tháng qua hệ thống bưu điện, BHXH Việt Nam quy định đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là người già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật mà không có khả năng đi đến điểm chi trả, cơ quan Bưu điện thực hiện chi trả miễn phí tận nơi cư trú cho người hưởng. Hình thức chi trả này nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt giúp người hưởng không phải tập trung nhận tiền và ký danh sách tại các điểm chi trả. Qua đó, tiết kiệm được thời gian và công sức đi lại; đảm bảo nhận chế độ BHXH nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định...

Chưa kể, hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại rộng khắp, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cung cấp nhiều tiện ích, tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ khách hàng trong giao dịch, như: Rút tiền mặt, tra cứu số dư, chuyển tiền, nộp tiền, thanh toán hóa đơn... nên người hưởng có nhiều thuận lợi.

Tính đến tháng 3/2024, An Giang có khoảng 11.455 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng nhận tiền qua tài khoản cá nhân (ATM), đạt 69,16% trên tổng số người hưởng (trong đó, khu vực đô thị là 9.168 người, đạt 72,50% chỉ tiêu, năm 2024 là 73%). Chi trợ cấp BHXH 1 lần là 12.251 người, đạt 99,8% trên tổng số người hưởng (trong đó, khu vực đô thị là 5.643 người, đạt 99,56% chỉ tiêu, năm 2024 là 98%).

Chi trợ cấp thất nghiệp 10.683 người, đạt 99,87% trên tổng số người hưởng (trong đó, khu vực đô thị là 5.028 người, đạt 99,80% chỉ tiêu, năm 2024 là 99%). Kết quả thực hiện chi trả các chế độ BHXH, TCTN qua phương tiện không dùng tiền mặt cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu BHXH Việt Nam..

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhieu-tien-ich-chi-tra-che-do-qua-tai-khoan-a398338.html