Nhiều tiện ích khi sử dụng vật liệu xây không nung
Thời gian qua, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) để xây dựng các công trình, nhất là các công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng VLXKN. Để triển khai thông tư này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 264/QĐ-UBND ngày 14-6-2018 quy định lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công và tăng cường sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước triển khai tại TP. Pleiku thì tỷ lệ sử dụng VLXKN phải đạt từ 70% trở lên, các địa phương còn lại phải sử dụng từ 50% trở lên. Cùng với đó, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN. Đối với các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Tuy nhiên, khi đơn vị thi công đưa VLXKN vào xây dựng thì một số công trình bị nứt tường, nứt vách ngăn như: Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Trường THCS Phạm Hồng Thái (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa), Bệnh viện Nhi tỉnh…
Về vấn đề này, ông Phan Văn Cường-Trưởng phòng Quản lý Xây dựng, Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) lý giải: “Do VLXKN có trọng lượng nặng hơn khoảng 50% so với gạch nung, cộng thêm các lý do khác như chưa đủ 100% thời gian đông kết, gạch trước khi xây, trát quá khô vào mùa nắng hoặc quá ẩm do bão hòa nước khi tập kết ngoài trời vào mùa mưa, khi xây xong gặp mưa liên tục... đều làm giảm sự kết dính giữa gạch và vữa trong khối xây. Cùng với đó, cốt liệu bột đá trong gạch không nung có độ trương nở khi ngậm nước nên có thể tăng co ngót gây biến dạng trong khối xây, công nhân thi công theo thói quen như xây gạch nung truyền thống… Do đó, thời gian trước, một số công trình sử dụng gạch không nung có hiện tượng nứt tường, nứt vách ngăn”.
Trước tình hình đó, Sở Xây dựng đã tổ chức một số hội thảo về gạch không nung cũng như kỹ thuật xây, trát liên quan tới VLXKN nhằm phổ biến kiến thức, kỹ thuật liên quan cho các doanh nghiệp và các đơn vị thi công. Để khắc phục tồn tại trên, một số doanh nghiệp sản xuất VLXKN đã đầu tư công nghệ mới để cải tiến, tối ưu hóa loại vật liệu này với những kỹ thuật khác nhau để cho ra các sản phẩm như bê tông bọt, gạch không nung tro bay…
Ông Trần Hoàng Gia-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vật liệu nhẹ Gia Nghĩa (05 Tôn Thất Thuyết, TP. Pleiku) cho biết: “Ở Gia Lai có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạch không nung bằng xi măng cốt liệu. Loại gạch này khá nặng, nếu sản xuất không đảm bảo chất lượng thì sẽ bị thấm nước, gây nứt tường hoặc phá vỡ kết cấu công trình. Sau khi tìm hiểu một số kỹ thuật mới, chúng tôi đã sản xuất gạch bê tông bọt vì loại này có độ bền lớn, không ảnh hưởng quá nhiều bởi sự thay đổi biên độ nhiệt, không thấm nước. Với 75% là bọt khí li ti có trong kết cấu bê tông nên trọng lượng rất nhẹ, chỉ khoảng 400-1.000 kg/m3, trong khi đó, gạch đỏ truyền thống và bê tông thông thường là 1.800-2.400 kg/m3”.
Bên cạnh đó, VLXKN có nhiều ưu điểm như không cần sử dụng đến đất nông nghiệp, không trải qua công đoạn dùng than củi để đốt nên tiết kiệm nguồn nhiên liệu, hạn chế nạn chặt phá rừng, không gây hại đến môi trường. Ngoài ra, cường độ chịu lực của VLXKN khá tốt, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm, lượng vữa dùng để xây dựng bằng gạch không nung và trát giảm đến 2,5 lần so với gạch truyền thống. Do vậy, việc sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng đang được khuyến khích.
Đánh giá về sử dụng VLXKN, ông Phan Văn Cường cho rằng: Sau khi các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất VLXKN cũng như áp dụng một số kỹ thuật xây, trát đặc thù thì tình trạng nứt tường khi sử dụng vật liệu này đã giảm hẳn.
“Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra một số công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước như: trụ sở UBND huyện Đak Đoa, Trường THCS xã Đak Trôi (huyện Mang Yang), Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku)… đều không thấy có hiện tượng nứt tường”-ông Phan Văn Cường nhận định.