Nhiều tín hiệu lạc quan
VN-Index thời gian qua không thể chinh phục mốc 1.000 điểm đi kèm với sự suy yếu về thanh khoản. Tuy nhiên, dự báo về thị trường chứng khoán (TTCK) quý IV/2019, các chuyên gia vẫn khá lạc quan với kỳ vọng sự trở lại mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trái với tháng 7 khởi sắc của TTCK, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang trong tháng 8, kết hợp với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến chỉ số VN-Index khi tiến gần tới ngưỡng kháng cự 1.000 điểm đã quay đầu giảm trở lại. Mặc dù có sự hồi phục vào nửa cuối tháng 8, song áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại khiến đà tăng không duy trì được lâu.
Trong tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh với hơn 1.600 tỉ đồng. Cùng lúc đó, dòng tiền ETFs (Quỹ hoán đổi danh mục) cũng ghi nhận bị rút ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2019 với giá trị rút ròng lên tới hơn 50 triệu USD.
Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam, khối ngoại cũng đã rút ròng mạnh tại các TTCK lân cận trong tháng 8. Trong đó, TTCK Việt Nam bị bán ròng ít nhất so với các TTCK còn lại. Bối cảnh vĩ mô tích cực và khả năng duy trì VND ổn định được đánh giá là điểm cộng để Việt Nam có sức hút với dòng tiền dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Mathew Smith, Giám đốc Nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại vào quý IV và sẽ trở thành đối tượng mua ròng, lý do: Hiện tại rất nhiều quỹ đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn và có thể vào quý IV, các quỹ sẽ phải đem lượng tiền mặt đó đi đầu tư để cân đối lại danh mục đầu tư của mình. Khối lượng giao dịch đang tăng mạnh cho thấy không chỉ nhà đầu tư trong nước mà nhà đầu tư nước ngoài đang có sự tham gia rất mạnh vào TTCK.
Ngoài ra, những tổ chức như các ngân hàng trung ương toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có những chính sách dễ dàng hơn đối với hệ thống tiền tệ trong thời gian tới để giải quyết vấn đề trì trệ của nền kinh tế thế giới. Đồng thời, ba bộ chỉ số mới được Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM công bố mới đây hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài.
Với những dẫn chứng đó, ông Mathew Smith dự báo, chỉ số VN-Index sẽ đạt đỉnh mới 1.100 điểm trong quý IV/2019.
Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), VN-Index đã tạo đáy vùng 940-945 điểm đầu tháng 7-2019 và bắt đầu xu thế hồi phục trong các tháng tiếp theo. Đồng thời, khối ngoại thường có giao dịch tích cực vào giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý IV, khi quá trình xem xét và đảo danh mục diễn ra sôi động hơn.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, PSI cho rằng, VN-Index nhiều khả năng quay lại vùng đỉnh 1.000-1.100 điểm trong giai đoạn cuối năm 2019. Và, chiến lược đầu tư được khuyến cáo là mua và nắm giữ các cổ phiếu tăng trưởng, cổ phiếu giá trị thuộc các nhóm ngành như: Thực phẩm, công nghệ, dệt may, điện, tiện ích và đặc biệt là dầu khí. Trong đó, các cổ phiếu đáng chú ý như: PPC, BWE, HNG, HVN, POW, PVS, GAS.
Không lạc quan như những nhận định đó, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây cho rằng, diễn biến TTCK trong nhiều tháng qua chủ yếu chịu sự chi phối của ngoại tác hơn là vấn đề nội tại trong nước. Cho đến khi có yếu tố đủ mạnh để thu hút dòng tiền của cả nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, khả năng bứt phá qua ngưỡng 1.000 điểm của VN-Index là không cao.
Với kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2019 của nhóm cổ phiếu đầu ngành, mặc dù giảm tốc về tăng trưởng lợi nhuận, hầu hết vẫn tương đối tích cực và phù hợp kỳ vọng của giới phân tích, VDSC nhận định: Rủi ro giảm mạnh như giai đoạn đầu năm là không cao, nhưng VN-Index cũng sẽ chỉ dao động trong khoảng 950-990 điểm trong những tháng còn lại của năm 2019.
VDSC khuyến cáo các nhà đầu tư hạn chế mua đuổi và nên sử dụng đòn bẩy. Sức mua nên để dành cho việc tích lũy cổ phiếu có triển vọng khả quan, trong những nhịp thị trường đột ngột điều chỉnh mạnh.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, PSI cho rằng, VN-Index nhiều khả năng quay lại vùng đỉnh
1.000-1.100 điểm trong giai đoạn cuối năm 2019.
Trái với nhiều biến động trong bức tranh thương mại toàn cầu, môi trường vĩ mô trong nước vẫn bảo đảm thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa hoạt động. Các chỉ báo kinh tế vĩ mô, mặc dù không rực rỡ như giai đoạn 2017-2018 nhưng vẫn diễn biến tích cực theo đúng mục tiêu điều hành và nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Do vậy, VDSC khuyến nghị, sự chững lại trong ngắn hạn của TTCK sẽ là cơ hội để nhà đầu tư quan sát, tìm hiểu và tích lũy cổ phiếu thuộc các nhóm ngành không phụ thuộc vào biến động bất thường của thương mại toàn cầu. Trong đó, các nhóm ngành liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiêu dùng, ngành bán lẻ, hàng không, công nghệ, bảo hiểm nhân thọ, dược phẩm và nhóm ngành kho vận, vận tải/cảng biển, khu công nghiệp được đánh giá khả quan.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhieu-tin-hieu-lac-quan-549194.html