Nhiều tín hiệu vui, thị trường trái phiếu doanh nghiệp 'ấm' trở lại

Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu (TPDN) thành công và đã có doanh nghiệp đạt được thỏa thuận giãn nợ với khách hàng. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường TPDN đang 'ấm' trở lại.

Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang “ấm” trở lại.

Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang “ấm” trở lại.

Tín hiệu vui

Tính đến nửa đầu tháng 3/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, có 8 DN phát hành TPDN riêng lẻ với khối lượng 23.755 tỷ đồng, trong đó, bất động sản chiếm áp đảo với 6/8 DN và 80% lượng trái phiếu phát hành (gần 19.000 tỷ đồng). Đây được cho là tín hiệu vui với thị trường trái phiếu sau một khoảng thời gian “đóng băng”.

Nếu như trong tháng 1 chỉ duy nhất một lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thành công thuộc về Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ thì trong tháng 2, đã có 2 đợt phát hành được nhà đầu tư đón nhận. Bước sang tháng 3, chỉ riêng ngày 16/3/2023 có các đợt phát hành riêng lẻ của 2 DN bất động sản.

Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên phát hành thành công 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 7.150 tỷ đồng. Cả hai lô trái phiếu đều có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất không được công bố. Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam cũng có tổng khối lượng trái phiếu riêng lẻ phát hành là 4.695 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 13%/năm.

Đáng chú ý, vào giữa tháng 3, Hưng Thịnh Land đã đạt được thỏa thuận với trái chủ 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 900 tỷ đồng về gia hạn kỳ hạn thanh toán, mở ra triển vọng cơ cấu nợ trái phiếu cho DN cùng ngành.

Có nhiều yếu tố tác động khiến cho thị trường TPDN “ấm” dần lên. Đầu tiên phải kể đến việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, nhất là trong giai đoạn đáo hạn cao điểm của TPDN trong năm 2023 và 2024.

Theo nhiều chuyên gia, đây là căn cứ pháp lý quan trọng giúp DN phát hành có căn cứ pháp lý và thời gian để đàm phán gia hạn nợ với trái chủ. Dù còn quá sớm để đánh giá tác động thực tiễn của Nghị định này, song có thể nói, đây là động thái bước đầu để nhà phát hành, nhà đầu tư dần lấy lại niềm tin.

Một yếu tố khác tác động tới thị trường TPDN là hiện nay lãi suất huy động của các ngân hàng đang giảm nhanh với kỳ hạn hầu hết đều ở mức dưới 9% năm. Cùng với đó, thị trường chứng khoán hiện nay cũng đang trong giai đoạn giằng co do nhiều thông tin trái chiều tác động khiến cho nhà đầu tư trở nên thận trọng trong việc “xuống tiền”.

Đáng chú ý, hiện nay Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước đều khẳng định sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh bảo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Những điều này khiến cho kênh đầu tư TPDN trở nên hấp dẫn hơn hẳn so với những kênh đầu tư khác.

Lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

Mặc dù thị trường TPDN dần được hâm nóng lại, song trên tổng thể thị trường TPDN Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, khi lượng TPDN đáo hạn cao, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại, DN và nhà đầu tư chưa kịp thích ứng với các quy định pháp lý mới.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect ước tính, lượng TPDN riêng lẻ đáo hạn quý II và quý III/2023 lần lượt là khoảng 93.139 tỷ đồng và 89.488 tỷ đồng. DN vẫn phải đối mặt với nguy cơ trả nợ lớn và việc đàm phán giãn nợ với trái chủ. Hiện trạng dư nợ trái phiếu của các DN hiện nay rất lớn, đặc biệt là những DN bất động sản, đó vẫn là điểm “nghẽn” khó giải quyết.

Hơn nữa, dù các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp DN có thể phát hành trái phiếu trong điều kiện thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đầy khó khăn, điển hình phải kể đến văn bản pháp lý quan trọng là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhưng theo nhiều chuyên gia đây chỉ được xem là giải pháp tạm thời, tháo gỡ các khó khăn trước mắt cho thị trường.

Để thị trường có thể phát triển lành mạnh cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn để khắc phục các điểm yếu như hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường (hệ thống giao dịch, công ty định hạng tín nhiệm...) cũng như nền tảng nhà đầu tư, đặc biệt là phải lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư thì thị trường TPDN mới hồi phục.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, chìa khóa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư phải đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ sự chủ động của DN, từ các quy định của pháp luật.

Điều quan trọng khác ở thời điểm này, khi tham gia thị trường TPDN thì nhà đầu tư phải nghiêm túc tìm hiểu thông tin, tránh việc vì ham lãi suất cao mà mua theo phong trào.

Ngoài ra, muốn TPDN trở thành kênh đầu tư hấp dẫn thì chính các DN cũng phải tự nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhà đầu tư sẽ chỉ có niềm tin với những DN uy tín và định hướng kinh doanh tốt. Làm được như vậy thị trường TPDN sẽ phát triển bền vững.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nhieu-tin-hieu-vui-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-am-tro-lai.html