Nhiều tỉnh miền Trung thiệt hại nặng do mưa lớn, dông lốc bất thường

Mưa lớn, dông lốc những ngày qua đã khiến nhiều diện tích cây trồng tại các tỉnh miền Trung bị ngập, đổ; ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tại một số địa phương ven biển cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Tai tỉnh Quảng Bình, từ ngày 1/4 đến ngày 2/4, mưa lớn chủ yếu tập trung tại các địa bàn thuộc huyện Lệ Thủy, khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và huyện Tuyên Hóa. Lượng mưa lớn nhất tập trung tại khu vực thị trấn Kiến Giang, rơi vào khoảng 200mm, các vùng khác có lượng mưa từ 80-120mm.

Đến sáng 2/4, tại huyện Lệ Thủy, mưa lớn làm hơn 3.600 ha lúa bị ngập từ 70% diện tích lúa trở lên và gần 2.000 ha lúa ở các xã vùng trũng có nguy cơ bị ngập nếu tiếp tục có mưa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình, vụ Đông Xuân năm nay, tỉnh Quảng Bình gieo cấy gần 30.000 ha diện tích lúa. Tuy nhiên, riêng trong đợt mưa lớn bất thường này, gần 5.000 ha lúa tại các huyện vùng trũng như Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy, Tuyên Hóa đã bị ngập úng, gãy đổ. Riêng tại huyện Lệ Thủy, do ảnh hưởng của mưa lớn nên đã có khoảng 4.000 ha lúa bị ngập.

Tuy nhiên lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, cây lúa hiện tại đang ở giai đoạn làm đòng nên việc bị ngập trong nước từ 1 đến 2 ngày thì cũng không ảnh hưởng nặng lắm đến năng suất sau này.

Hiện các địa phương đang triển khai các phương án chống ngập trên các cánh đồng, huy động lực lượng đắp đê, cứu lúa. Đến sáng nay, hầu hết các tuyến đê bao bị tràn đã cơ bản được hàn khẩu, những khu vực xung yếu được đắp cao, chống chịu tốt.

Tại huyện Lệ Thủy, lực lượng chức năng đã huy động gần 100 trạm bơm điện và dầu để bơm úng cứu lúa. Bên cạnh đó, người dân nhiều xã từ chiều đến tối ngày 1/4 đã đem theo dụng cụ ra đồng ruộng để đắp đê ngăn nước, cứu lúa và hoa màu.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn làm nhiều nơi ở vùng núi bị chia cắt, hơn 5.700 ha lúa bị ngập nặng, Quốc lộ 9 bị sạt lở nghiêm trọng, các địa phương sẵn sàng sơ tán gần 16.000 người dân có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Cụ thể, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 1 giờ ngày 31/3 đến 1 giờ ngày 2/4 phổ biến 80-100 mm, có nơi cao hơn 350 mm.

Tại huyện Đakrông, ngầm tràn Ba Lòng đang ngập 1,5 đến 2 m gây chia cắt cục bộ xã Ba Lòng với trung tâm huyện. Mưa lớn cũng khiến đoạn đường tại Km 54, Quốc lộ 9 bị sạt lở, gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền.

Người dân huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) dùng bao cát làm đê ngăn lũ. Ảnh: Báo Nhân dân

Người dân huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) dùng bao cát làm đê ngăn lũ. Ảnh: Báo Nhân dân

Riêng tại huyện Hải Lăng, đê bao một số điểm bị nước tràn qua như Hải Thọ, Hải Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hải Trường, Hải Lâm. Vì vậy, huyện Hải Lăng có tới 5.216 ha lúa ngập úng, ngã đổ… Tại huyện Triệu Phong, ngoài 1 ngôi nhà tốc mái, ngập lụt diễn ra tại các xã vùng trũng như Triệu Tài, Triệu Trạch, Triệu Trung và Triệu Sơn.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã gửi văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng, gió mạnh, lốc, sét, mưa đá, lũ, sạt lở đất. Các địa phương đã triển khai cắt cử lực lượng trực canh, đặt barie, biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn đang ngập và có nguy cơ ngập, nước chảy xiết. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh phương án, sẵn sàng sơ tán 4.914hộ/15.679 khẩu có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Đến thời điểm hiện nay, tổng dung tích các hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 91,8% so với dung tích thiết kế. Tất cả 2.489 tàu thuyền với 7.056 thuyền viên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều đã vào nơi neo đậu an toàn.

Tại tỉnh Phú Yên, trong 2 ngày 30 và 31/3 đã xuất hiện đợt mưa gió lớn bất thường, gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông, ngư nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh có trên 117 ghe, tàu đánh cá công suất nhỏ (chiều dài dưới 15m) của ngư dân 4 địa phương ven biển (Tuy Hòa, Tuy An, Đông Hòa, Sông Cầu) bị gió lốc, sóng biển đánh chìm; 2.450 lồng nuôi tôm hùm bị trôi dạt, 14 nhà ở của người dân bị sập đổ, tốc mái; 15.700/26.666 ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn chín sáp, sắp thu hoạch bị ngập nước, ngã, đổ; 508 ha rau màu bị ảnh hưởng. Thiệt hại cho ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở Phú Yên còn lớn hơn ảnh hưởng của một cơn bão cấp 11-12 tại khu vực này.

Tại huyện Tuy An có 1 người chết, 1 người mất tích chưa tìm thấy. Đây cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản trong đợt thiên tai vừa qua.

Đối với tỉnh Phú Yên, đợt mưa lớn vừa qua được đánh giá là bất thường, bởi đã bước vào mùa khô và đang là đầu vụ đánh bắt nhưng lại nhận một đợt mưa rất lớn, gió lốc, sóng biển cao khiến người dân không kịp trở tay.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh và vùng áp thấp, các tỉnh Trung Bộ từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to từ 100-200 mm (tập trung ngày 31/3). Mưa lớn kèm theo dông lốc, gió giật mạnh, sóng lớn tại các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên Huế - Phú Yên. Ngày 1- 2/4, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa, trong đó từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 150-250 mm/đợt.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, đến 6h ngày 2/4, mưa lớn, dông lốc, gió mạnh trên biển đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương, 2 nhà sập đổ, 38 nhà tốc mái, hư hỏng; 261 ghe, thuyền chìm, hư hỏng, 2.480 lồng bè tôm hùm thiệt hại.

Ngoài ra, mưa lớn, dông lốc đã làm 6 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông (Thừa Thiên Huế 1 điểm; Đà Nẵng 2 điểm; Quảng Nam 3 điểm); 54.430 ha lúa bị ngập, đổ (Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa); 7.114 ha hoa màu ngập (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên).

Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc, gió mạnh trên biển theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa lũ, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, trong đó tập trung trục vớt, sửa chữa tàu thuyền bị hư hỏng; tổ chức tiêu nước đệm, nước rút đến đâu thu hoạch lúa đến đấy.

Các tỉnh, thành phố tổ chức ứng trực tại các hồ chứa; chủ động điều tiết nước, hạn chế xả để hỗ trợ thu hoạch lúa dưới hạ du; tăng cường thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Các địa phương rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, chia cắt; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc, gió mạnh trên biển thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông. Các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình...

Trước các hiện tượng thời tiết như trên, chính quyền địa phương và người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn để chủ động các phương án ứng phó, khắc phục, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

T.H (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhieu-tinh-mien-trung-thiet-hai-nang-do-mua-lon-dong-loc-bat-thuong-646806.html