Nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng ở Đắk Nông
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh giống cây trồng tự phát, không có giấy phép. Khi bị kiểm tra, nhiều cơ sở không phối hợp, viện nhiều lý do để đối phó.
Giảm hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng
Ngày 13/8, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh vừa có báo cáo số 778/BCPTNN về tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn năm 2024.
Theo đó, tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có 232 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng (giảm 104 cơ sở so với năm 2023). Trong đó, 7 cơ sở sản xuất (3,01%); 139 cơ sở kinh doanh (59,92%); 86 cơ sở sản xuất, kinh doanh (37,07%).
Toàn tỉnh Đắk Nông có 93/232 cơ sở đã đăng ký hoặc thành lập theo quy định của pháp luật, chiếm 40,1% (có giấy phép đăng ký kinh doanh, có hợp đồng hoặc giấy tờ mua bán cây giống với tổ chức, cá nhân sản xuất giống, có các thông tin về tên giống, nguồn giống đã sử dụng nhân giống). Những cơ sở còn lại chưa thực hiện đăng ký theo quy định của pháp luật.
Tính đến hết tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 11 cây đầu dòng (3 cây bơ, 1 cây cà phê dây, 2 cây chanh dây, 1 cây hồ tiêu, 4 cây ca cao); 6 vườn cây đầu dòng (1 vườn bơ, 1 vườn cà phê dây, 6 vườn chanh dây) đang được khai thác, hàng năm cung cấp gần 100.000 chồi/mắt ghép/hom giống nhằm cung ứng một phần giống chất lượng phục vụ sản xuất nội tỉnh. Trong đó, có một số vườn giống đầu dòng cung ứng giống sang các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông cho hay, những năm gần đây, việc trồng xen các loại cây ăn quả như sầu riêng, mắc ca, mít,... trên diện tích các loại cây công nghiệp (như cà phê, hồ tiêu,…) đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn đầu tư trồng xen hoặc chuyển đổi sang trồng mới, trồng chuyên canh các loại cây ăn quả, dẫn đến nhu cầu về giống cây trồng nông nghiệp tăng cao.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng giống cây cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm để trồng mới, tái canh hoặc trồng xen trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ước khoảng hơn 6,9 triệu cây giống. Trong đó, năng lực cung ứng giống cây trồng nông nghiệp của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 4,8 triệu cây giống (đáp ứng khoảng 69,2% nhu cầu cây giống của tỉnh; 30,8% còn lại nhập từ các tỉnh khác, chủ yếu cây ăn quả).
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng giống cây ngắn ngày hàng năm khoảng 3.300 tấn giống các loại, chủ yếu được các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhập từ các tỉnh khác hoặc thông qua các công ty sản xuất, kinh doanh giống. Tại địa phương chỉ sản xuất một số giống rau, khoai lang,… Các loại giống cây ngắn ngày được cung ứng thông qua các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoặc đại lý nông sản tại các địa phương.
Nhiều cơ sở chưa chấp hành quy định của pháp luật
Trước tình hình trên cho hay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khuyến cáo người dân, nhất là bà con ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mua giống ở các cơ sở có địa điểm sản xuất, kinh doanh có giấy phép đăng ký kinh doanh hợp pháp...
Trong năm 2022-2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 1 đợt thanh kiểm tra 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Qua đó, ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 trường hợp không có nhãn mác hàng hóa theo quy định với số tiền 5,5 triệu đồng.
Riêng 9 cơ sở không có giấy phép kinh doanh, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản kiến nghị với Phòng Nông nghiệp và Phát triển thông thôn các huyện, Phòng Kinh tế Tp.Gia Nghĩa phối hợp với UBND các xã có liên quan xử lý theo quy định.
Tiếp đó, năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông thực hiện kế hoạch giám sát công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Qua đó cho thấy, các cơ sở kinh doanh lớn, có uy tín tại các địa phương đều đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh tự phát, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh giống cây trồng.
Năm 2024, Chi cục Phát triển nông nghiệp đã tổ chức 1 đợt kiểm tra đối với 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng về việc chấp hành các quy định pháp luật. Thông qua kiểm tra, đơn vị đã hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện đúng các quy định về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.
Ngoài ra, hiện nay, một số địa phương đã và đang thành lập đoàn thanh tra vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất năm 2024, trong đó có giống cây trồng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông Nguyễn Thiện Chân thông tin, hiện nay, công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng gặp một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể, nhiều cơ sở sản xuất giống cây trồng chủ yếu là tự phát, theo thời vụ, không biển hiệu, buôn bán nhỏ lẻ trong khu vực thôn, buôn; bán lưu động. Do đó, khi bị kiểm tra, các cơ sở thường đối phó là gia đình tự ươm chứ không buôn bán;… Từ đó, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh và chất lượng cây giống.
Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa thực hiện tốt các quy định của nhà nước. Khi được kiểm tra, nhiều cơ sở không phối hợp, chủ cơ sở báo vắng, không xuất trình được các giấy tờ liên quan.
Một số loại giống cây ăn quả lâu năm (sầu riêng, xoài,…) trên địa bàn tỉnh chủ yếu được người dân nhập về từ các tỉnh miền Tây, Đắk Lắk, Lâm Đồng nên gây không ít khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng cây giống.
Hơn nữa, hiện nay, các văn bản pháp luật liên quan đến giống cây trồng đang được ban hành, sửa đổi, bổ sung với nhiều nội dung mới, phạm vi tác động rộng.
Do đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa nắm bắt kịp thời, không quan tâm tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng để thực hiện.
Ngoài ra, lực lượng làm công tác quản lý, kiểm tra giống cây trồng của tỉnh cũng như các huyện, thành phố còn mỏng; việc kiểm tra chủ yếu bằng mắt thường nên khó nhận biết giống có đảm bảo chất lượng.
Ngày 24/7/2024, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND phê duyệt nội dung và quy định mức chi được ngân sách địa phương bảo đảm hoặc hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030. Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông khẳng định, đây là nghị quyết đầu tiên của tỉnh liên quan đến chính sách hỗ trợ về sản xuất giống.