Nhiều trại cá sấu Việt chật vật tìm đường quay lại thị trường Trung Quốc

Nhu cầu tiêu thụ thịt cá sấu của Trung Quốc rất lớn nên rất cần chính sách hỗ trợ các trại cá sấu Việt Nam tái đàn, kết nối đầu ra để đẩy mạnh xuất khẩu.

Mới đây (ngày 19-8), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, tạo cơ hội lớn cho ngành nuôi cá sấu.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay nhiều trại cá sấu nước ta đang lâm vào cảnh khó khăn, do thời gian dài không có đầu ra, các trại đóng cửa, giảm đàn chỉ một số ít trại nuôi duy trì hoạt động cầm chừng.

Ngành cá sấu đang rơi vào tình cảnh khó khăn

Dù xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đang mở đầu ra tươi sáng cho ngành nuôi cá sấu Việt Nam nhưng thực tế hiện nay nhiều trại cá sấu đã phá sản phải đóng cửa, sụt giảm đàn rất lớn.

Ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà (TP.HCM) cho biết, trước dịch bệnh ngành nuôi cá sấu sống chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, tiêu thụ rất mạnh chiếm khoảng 90% lượng cá sấu Việt Nam. Giá thành nuôi khoảng 100.000 đồng/kg, nếu bán cho thương lái Trung Quốc mua với giá khá cao từ 160.000 – 200.000 đồng/kg.

Thế nhưng từ khi dịch bệnh đến nay, ông Hưng cho hay, phía Trung Quốc không mua, đầu ra cá sấu Việt Nam tắc đường, không bán được. Thậm chí da cá sấu cũng không tiêu thụ được vì Trung Quốc cũng là thị trường chính của mặt hàng này. Hiện trại cá sấu của ông Hưng đang cố gắng giữ đàn khoảng 5.000 con, cố gắng gầy lại con giống.

“Trong khi cá sấu nuôi rất tốn chi phí về thức ăn hàng ngày, nên không có đầu ra mà tiếp tục nuôi là chỉ có thua lỗ, phá sản. Nhiều trại phải mổ lấy da, đến lúc mổ luôn cá sấu bố mẹ khiến hiện nay nhiều trại nuôi cá sấu rất lớn tại TP.HCM không còn gầy giống được nữa, phải đóng trại. Tái đàn phải mất rất lâu, cần hơn 3 năm mới gầy giống nuôi lại đàn cá sấu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”- ông Hưng chia sẻ.

 Nhiều trại cá sấu gặp khó đầu ra phải giảm đàn, thậm chí đóng trại vì mấy năm nay không bán được sang Trung Quốc. Ảnh: QH

Nhiều trại cá sấu gặp khó đầu ra phải giảm đàn, thậm chí đóng trại vì mấy năm nay không bán được sang Trung Quốc. Ảnh: QH

Ông Hải, một trang trại ở huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết sau khi dịch bệnh, Trung Quốc đóng cửa khẩu thì trại cá sấu của ông cũng như nhiều trại khác đều khó khăn. Đầu ra không có, nuôi cá sấu lấy da thì tốn nhiều thời gian, chi phí khiến các trại cá sấu không thể “gánh” nổi.

“Tôi đóng trại nuôi cá sấu lâu rồi vì có bán được sang Trung Quốc đâu, không bán được thì nuôi chỉ có ôm nợ nên đành bán tống, bán tháo trại, chuyển hướng kinh doanh mới sống được”- ông Hải chia sẻ.

Trước thời điểm, dịch COVID-19 trại cá sấu của ông Hồ Văn Bé Hùng ở Đồng Tháp có hơn 100.000 con, nhưng hiện này chỉ còn vài chục ngàn con. Giờ chỉ nuôi để lấy da là chính vì thịt cá sấu trong nước giá rẻ ít người mua.

 Các trại cá sấu cố gắng ương giống tái đàn để chuẩn bị nguồn cung nắm bắt cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: QH

Các trại cá sấu cố gắng ương giống tái đàn để chuẩn bị nguồn cung nắm bắt cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: QH

“Da cá sấu cũng khó đầu ra nên giá hiện nay rất rẻ chỉ vài trăm ngàn đồng/tấm, rẻ hơn cả giá da bò. Hoạt động của trại cá sấu rất khó khăn, chúng tôi cố gắng duy trì, giữ đàn, tìm lại đầu mối khách hàng để đón cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”- ông Hùng nói.

Việt Nam vẫn có cơ hội thành cường quốc cá sấu

Ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà (TP.HCM) cho biết, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên rất thích hợp để nuôi cá sấu vì từ xưa đây là những vùng cá sấu sinh sống tự nhiên. Khí hậu ôn hòa ấm áp nên rất thích hợp với cá sấu, hơn nữa thức ăn nuôi cá sấu có thể tận dụng nguồn phụ phẩm của ngành chăn nuôi rất phát triển của Việt Nam như xương, đầu gà hay nội tạng heo, bò sau giết mổ…

“Để nắm bắt cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhà nước cần hỗ trợ vốn vay cho trại nuôi cá sấu gầy dựng lại đàn. Nhất là các công ty lớn cần được tiếp sức duy trì đàn, nuôi những con cá sấu lấy thịt làm con giống luôn, nuôi thêm 2-3 năm nữa để nó đẻ”- ông Hưng đề xuất.

 Các trại cá sấu đề nghị được hỗ trợ vốn vay để tái đàn. Ảnh: QH

Các trại cá sấu đề nghị được hỗ trợ vốn vay để tái đàn. Ảnh: QH

Ông Hồ Văn Bé Hùng, chủ trại cá sấu ở Đồng Tháp, cho biết cái khó lớn nhất của trại nuôi cá sấu Việt Nam đều lệ thuộc xuất khẩu bán con sống sang thị trường chính là Trung Quốc. Nghe tin Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch cho cá sấu Việt Nam, ông Hùng cho biết cũng vừa vui nhưng cũng vừa lo. Vui vì cá sấu có đầu ra trở lại, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất lớn, tuy nhiên hiện các trại cá sấu trong nướng đang rất khó khăn về tình hình kinh doanh.

Theo ông Hùng, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ các trại cá sấu xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, để vừa nắm vững những điều kiện tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, vừa tìm kiếm khách hàng ổn định.

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, tạo cơ hội lớn cho ngành nuôi cá sấu. Ảnh: QH

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, tạo cơ hội lớn cho ngành nuôi cá sấu. Ảnh: QH

Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, kiêm giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cho biết cá sấu sống Việt Nam trước đây xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, bấp bênh đầu ra. Do đó, khi Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành cá sấu Việt Nam.

Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch sẽ giúp đầu ra của ngành nuôi cá sấu Việt Nam ổn định. Tuy nhiên, khi đi con đường chính ngạch thì các trại nuôi cá sấu Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe hơn từ thị trường Trung Quốc, phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.

“Ngoài các quy định về kiểm dịch động vật và sức khỏe của cá sấu, cá sấu là động vật hoang dã được kiểm soát bởi cơ quan quản lý CITES, công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Do đó, khi xuất khẩu cá sấu sống, da hay các sản phẩm từ cá sấu phải tuân theo những quy định của công ước này và phải có giấy phép CITES xuất khẩu đối mặt hàng này”- ông Nghĩa thông tin.

Vì sao Trung Quốc mua nhiều cá sấu sống Việt Nam?

Thịt cá sấu sống là thực phẩm làm món ăn tốt cho sức khỏe của người dân Trung Quốc, họ sẽ mua loại cá sấu sống có trọng lượng vừa phải từ 10-15 kg/con, có tuổi nuôi khoảng 1,5 năm trở trên. Giá cá sấu sống mua ở Việt Nam cao 200.000 đồng/kg, về đến Trung Quốc, thương nhân họ bán với giá 400.000 – 500.000 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng có khi còn cao hơn.

Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ cá sấu sống loại 10-15kg/con rất lớn. Ảnh: QH

Cá sấu được xem là món “đại bổ” của người dân Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Cá sấu sống mua về làm sạch, vẫn để da, xương, sau đó chế biến các món ăn như hầm với các loại thảo dược, hầm thuốc bắc để tẩm bổ sức khỏe. Vì trong xương và da cá sấu có nhiều chất collagen và nhiều chất dinh dưỡng khác giúp bồi dưỡng cho người bệnh và trẻ em suy dinh dưỡng.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nhieu-trai-ca-sau-viet-chat-vat-tim-duong-quay-lai-thi-truong-trung-quoc-post808426.html