Nhiều trại nuôi heo ở Hải Phòng, Gia Lai gây ô nhiễm
Nhiều trại nuôi heo ở hai tỉnh Gia Lai, Hải Phòng chưa được quản lý chặt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số người dân ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng và người dân ở xã Ia Pior, huyện biên giới Chư Prông, Gia Lai thông tin về việc các trại nuôi heo trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường.
Người dân đã phản ánh tình trạng trên đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Gây ô nhiễm trong thời gian dài
Theo phản ánh của người dân tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, mùi hôi thối từ các trại nuôi heo bốc lên cả ngày lẫn đêm, nhất là vào mùa hanh khô thì nước tại các ao cạnh khu trại đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi rất khó chịu.
Nhiều năm qua, người dân sống quanh khu vực này đã từng kiến nghị với chính quyền về tình trạng ô nhiễm từ các trại nuôi heo. Những trại nuôi heo dù hoạt động nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để trong việc xử lý ô nhiễm.
Đỉnh điểm của việc bức xúc của người dân là khoảng giữa tháng 9, sau cơn mưa lớn trên địa bàn, phân heo tràn ra, bốc mùi hôi thối nồng nặc, người dân đã kéo đến các trại nuôi heo để phản đối.
Trao đổi với PV, ông Vũ Trọng Quảng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, xác nhận sự việc trên. Ông Quảng cho biết sau khi người dân kéo đến trại để phản đối việc gây ô nhiễm, người dân cũng đã có đơn kiến nghị lên chính quyền xã. Sau đó, UBND xã đã lập tổ công tác kiểm tra thực tế. Đồng thời, mời đại diện các chủ trại làm việc với UBND xã Vĩnh An.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết chính quyền sẽ tiếp tục giám sát hoạt động của các trại nuôi heo, bảo đảm thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường.
Về phía các chủ cơ sở nuôi heo, bà Phạm Thị Năng, một chủ trại nuôi heo ở xã Vĩnh An, cho biết các cơ sở không muốn ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Họ đang đề nghị chính quyền xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để cải tạo chuồng trại, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Sau phản ánh của người dân, một số trại lớn trên địa bàn đã tự đầu tư kinh phí cải tạo cơ sở vật chất chuồng nuôi, lắp máy phun sương… để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ngủ phải đeo khẩu trang
Theo tìm hiểu của PV, tại xã Ia Pior, huyện biên giới Chư Prông, Gia Lai có 14 dự án chăn nuôi, năm dự án đi vào hoạt động thì có ba dự án bị xử phạt vì chưa có giấy phép về môi trường với số tiền phạt gần 1 tỉ đồng.
Anh Dương Văn Thái (thôn Phung, xã Ia Pior) cho biết từ khi các trại nuôi heo trên địa bàn đi vào hoạt động đã bốc mùi hôi thối. Lúc ăn cơm mà nghe mùi này nuốt không nổi, ngủ cũng phải đeo khẩu trang. Nhiều người có biểu hiện đau đầu, mất ngủ do không chịu nổi mùi hôi này.
Theo anh Thái, gia đình anh có sáu trẻ nhỏ, anh rất lo khi không khí bị ô nhiễm lâu ngày như vậy. Người dân ở đây đã có ý kiến với các chủ trại nuôi heo thì họ nói người dân tự đi trồng cây, chắn gió để bớt mùi hôi.
Ông Ngô Văn Tuyến, trưởng thôn Phung, cho biết từ phản ánh của người dân, các ngành chức năng của tỉnh, huyện cũng đến kiểm tra. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, mùi hôi vẫn không giảm, nặng nhất là từ chập tối đến sáng. Ngủ phải trùm chăn, đeo khẩu trang vẫn không ngăn được mùi hôi.
“Người dân ở đây khổ sở với mùi hôi từ các trại nuôi heo lâu rồi, nhà tôi cách trại nuôi heo hơn 1 km mà vẫn chịu không nổi. Rất mong chính quyền, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục tình trạng trên” - ông Tuyến nói.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Ia Pior, cho biết tình trạng ô nhiễm từ các trại nuôi heo mà người dân phản ánh là đúng. “Tôi đã đi kiểm tra, cảm quan là không chịu nổi, nhất là khi trời nắng và buổi tối. Người dân ở xa trại nuôi heo 1-3 km vẫn nghe mùi hôi” - ông Tiến nói.
Ông Phạm Vũ Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cho rằng huyện đã có kiến nghị các sở, ngành giải quyết triệt để theo Luật Bảo vệ môi trường. Nếu các doanh nghiệp không khắc phục được thì đề nghị đóng cửa dự án. Huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu thực hiện theo quy định, còn thẩm quyền xử lý thuộc về tỉnh và các sở, ngành.•
Ô nhiễm do luật chưa thống nhất
Trong cuộc họp HĐND tỉnh Gia Lai vừa qua, đại biểu Ra Lan Song Linh, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh Gia Lai, chất vấn Sở NN&PTNT, Sở TN&MT về việc nhiều dự án chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chưa có giấy phép môi trường mà vẫn cho hoạt động.
Vấn đề này, ông Phạm Minh Trung, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, cho rằng cách quản lý giữa các sở, ngành còn vênh nhau, mỗi đơn vị áp dụng một kiểu dẫn đến tình trạng dự án đi vào hoạt động khó kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, hiện nay Sở TN&MT căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường, yêu cầu các dự án muốn đi vào hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện về ĐTM, cho vận hành thử rồi mới cấp giấy phép về môi trường và cho chăn nuôi. Trái lại, Sở NN&PTNT áp dụng theo Luật Chăn nuôi, căn cứ vào ĐTM và cấp giấy phép đủ điều kiện chăn nuôi mà không có giấy phép về môi trường.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, cho hay đối với nội dung vênh nhau giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Chăn nuôi, sở sẽ có đề xuất cụ thể, trong đó yêu cầu phải có giấy phép về môi trường đối với các dự án chăn nuôi quy mô lớn.
Sở cũng đề nghị sửa đổi Thông tư 23 của Bộ NN&PTNT quy định khoảng xây dựng trang trại chăn nuôi phải xa hơn hiện tại (quy định cách khu dân cư với dự án quy mô lớn là 400 m, vừa và nhỏ là 100-200 m). Đồng thời, cần có quy định về thẩm định công nghệ, đáp ứng yêu cầu về môi trường.
Theo ông Nghĩa, đối với 28 dự án chăn nuôi quy mô lớn đang hoạt động, trong vòng sáu tháng nếu không đáp ứng đủ các điều kiện về giấy phép theo quy định thì sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh hướng xử lý.
Ngoài những dự án lớn, trên địa bàn còn có 329 trang trại quy mô vừa và nhỏ đang hoạt động. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát các quy định về bảo vệ môi trường và có hướng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-trai-nuoi-heo-o-hai-phong-gia-lai-gay-o-nhiem-post760424.html