'Nhiều trẻ em bị cong vẹo cột sống không được điều trị kịp thời'
Phó giáo sư Đinh Ngọc Sơn cho hay kết quả sau khi khám, tư vấn, chụp X-quang miễn phí đã phát hiện nhiều trẻ cần can thiệp điều trị hay phẫu thuật bệnh cột sống.
Hai năm sau đại dịch COVID-19, vừa qua, các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tổ chức chương trình khám miễn phí về bệnh lý cong vẹo cột sống cho trẻ em. Đáng lưu ý, qua thăm khám, các bác sỹ của Khoa Phẫu thuật cột sống đã phát hiện nhiều trẻ bị cong vẹo cột sống ở mức nặng nề.
Gia đình chủ quan, bé cong vẹo cột sống
Bé N.P.H. ở Bắc Giang được phát hiện bị cong vẹo cột sống cách đây 2 năm khi 8 tuổi với độ cong là 40 độ.
Bác sỹ điều trị của bệnh nhân cho hay 2 năm qua gia đình bé H. do chủ quan không thăm khám và điều trị định kỳ. Đến nay, khi đi khám trở lại, cột sống của em đã biến chứng nặng với độ cong là 68 độ và buộc phải phẫu thuật.
Mẹ bé H. cho hay dù hai năm trước bác sỹ khuyên gia đình phải tập luyện và mặc áo nẹp cho con. Tuy nhiên, gia đình chưa tuân thủ bởi không nghĩ bệnh tiến triển nặng nhanh như vậy.
Một trường hợp khác là bé N.H. T. ở Bắc Ninh, 11 tuổi nhưng đã bị cong vẹo cột sống tới 59-60 độ, khiến cháu bị lệch hẳn người.
Ông nội bé T. cho biết bố mẹ bé đi làm ăn xa, ông bà không có kinh nghiệm nên không phát hiện được bệnh.
Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán bé T. được phát hiện bệnh trong tình trạng muộn, bệnh tiến triển rất nặng. Các bác sỹ chỉ định trường hợp của bé phải phục hồi chức năng và mặc áo chỉnh hình 13 tiếng mỗi ngày, đợi khi trưởng thành mới có thể phẫu thuật. Bên cạnh đó, bé phải tái khám 6 tháng/lần để được hội chẩn về tình trạng bệnh.
Một trường hợp khác, bé N.N.H. 8 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội được bố đưa đến thăm khám tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức trong tình trạng một bên đầu luôn nghiêng nghiêng.
Phụ huynh cho hay năm bé 3 tuổi gia đình thấy con đã có dấu hiệu nghiêng nghiêng 1 bên đầu và cho đi khám, năm nào cũng cho đi chiếu chụp, tuy nhiên chưa tìm ra nguyên nhân.
Qua thăm khám và xem phim chụp, phó giáo sư Đinh Ngọc Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết qua đo bé H. bị cong vẹo cột sống 10 độ, không quá lo ngại. Bệnh nhân không có nguyên nhân về mặt thần kinh, đa phần bệnh nhân bị co cơ, do hai bên cơ cột sống phát triển không đều nhau.
“Bệnh nhân bị nghiêng đầu, lưng hơi gồ là do phần cơ hai bên cột sống co không đồng đều. Vì vậy, bác sỹ sẽ hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà với các bài tập để phần cơ lưng, cơ ở cổ thư giãn và phát triển hài hòa, đồng đều. Đặc biệt, bệnh nhân cần đi bơi thường xuyên bởi đây là cách nhanh nhất để hai bên cơ co giãn phát triển đều nhau,” bác sỹ Sơn cho hay.
Ảnh hưởng sự phát triển cơ quan nội tạng
Trong buổi khám miễn phí bệnh cột sống tại Bệnh viện Việt Đức vừa diễn ra vào cuối tuần qua, có 150 trẻ được bố mẹ đưa đến khám.
Phó giáo sư Đinh Ngọc Sơn cho hay nhiều trẻ sau khi khám, tư vấn, chụp X-quang miễn phí đã phát hiện nhiều trường hợp cần can thiệp điều trị hay phẫu thuật bệnh cột sống.
Bác sỹ Sơn dẫn chứng thống kê của ngành y tế cho thấy tỷ lệ trẻ bị cong vẹo cột sống chiếm từ 0.5-1% dân số. Điều đáng lưu ý, nhiều gia đình nếu chủ quan không quan tâm đến tình trạng bệnh của trẻ điều trị sớm sẽ có những hậu quả rất đáng tiếc.
"Trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt với bệnh cong vẹo cột sống khởi phát trước 10 tuổi, về lâu dài sẽ gây biến dạng nặng cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác. Thậm chí trẻ có thể bị liệt, tử vong," bác sỹ Sơn cảnh báo.
“Cột sống không chỉ là cột đỡ cơ thể mà còn liên quan đến cả lồng ngực, ổ bụng. Nếu trẻ bị cong vẹo cột sống trong khi tạng trong lồng ngực đang phát triển sẽ nguy hiểm. Chẳng hạn như với trẻ ở lứa tuổi từ 3-8 tuổi, các cơ quan nội tạng đang phát triển, nhưng nhiều cháu do bị vẹo cột sống nên ảnh hưởng đến phổi, phổi không phát triển đồng đều dẫn tới bị xẹp một bên phổi có thể dẫn tới khả năng gây suy hô hấp. Có trường hợp trẻ bị cong vẹo cột sống làm lồng ngực không phát triển được, các phế nang bị xẹp dẫn đến suy hô hấp,” bác sỹ Sơn cho biết.
Cũng theo ông, nhiều trường hợp trẻ bị cong vẹo cột sống trong tình trạng nặng làm ảnh hưởng tới chức năng của tim, phổi không phát triển bình thường. Khoang gan mật bị hẹp lại cũng bị ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác. Có cháu hơn 10 tuổi đã bị suy hô hấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.
Vì vậy, theo các chuyên gia, trẻ mắc các bệnh về cột sống khi được phát hiện sớm để điều trị sớm, giúp bệnh nhi có thể không phải phẫu thuật nếu được điều trị kịp thời, đúng cách, còn những trường hợp phải mổ thì mổ sớm sẽ tránh được nhiều nguy cơ biến chứng về sau./.