Nhiều trường đại học chủ động đào tạo trực tuyến, trừ khối nghệ thuật và quốc phòng-an ninh
Bộ GD-ĐT thống kê có 110/240 cơ sở giáo dục ĐH đã triển khai đào tạo trực tuyến. Riêng khối trường văn hóa nghệ thuật và quốc phòng an ninh vẫn chỉ đào tạo tập trung.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 110/240 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã triển khai đào tạo trực tuyến, với các cấp độ khác nhau. Do đặc thù, nhiều trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật chưa tổ chức đào tạo trực tuyến và 33 trường thuộc nhóm quốc phòng - an ninh đang đào tạo tập trung.
Một số trường gặp khó khăn do chưa kịp chuẩn bị, nhưng đa số cơ sở GDĐH đang dần dịch chuyển từ thế bị động ban đầu sang thế chủ động và tính đến những kịch bản lâu dài hơn. Qua giai đoạn thử thách này, các cơ sở đào tạo được nâng cao nhận thức về đào tạo trực tuyến và tái cấu trúc đội ngũ cán bộ giảng viên. Đây cũng là cơ hội để GDĐH tăng cường hợp tác với tập đoàn, doanh nghiệp ICT quốc gia, đa quốc gia.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GDĐT cho biết, đến nay có 11 tập đoàn ICT đã tham gia hỗ trợ ngành giáo dục triển khai đào tạo trực tuyến. Với lợi thế về hạ tầng công nghệ, các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đồng hành tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, giải pháp phần mềm và cước truy cập Internet.
Ngay trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nhanh chóng tổ chức đào tạo trực tuyến, cung cấp toàn bộ bài giảng giáo trình của trường dưới dạng học liệu số. TS. Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, những hỗ trợ từ các doanh nghiệp vào giai đoạn hiện nay cần được tích hợp với hệ thống đang được triển khai và giảm chi phí cho những những phần mềm đã sử dụng.
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn chia sẻ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa trong đào tạo trực tuyến. “Bộ GDĐT nên hợp tác với Bộ TTTT để có kế hoạch chuyển đổi số thực sự. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng đi đầu trong công cuộc này” - PGS TS Hoàng Minh Sơn đề xuất.
Để hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp ICT đạt hiệu quả, đại diện Đại học Quốc gia TP HCM đề xuất cần cụ thể hóa những cam kết của doanh nghiệp ICT thành các gói sản phẩm cụ thể, hỗ trợ tối đa các trường tùy đặc thù từng đơn vị. GS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM thì cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp gói dịch vụ cloud nên giảm giá khoảng 40-50% cho các trường.