Nhiều trường đại học tại TPHCM tuyển sinh kết hợp, mở ngành mới
Bên cạnh giữ ổn định các phương thức tuyển sinh truyền thống như xét học bạ, thi đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp THPT..., năm nay nhiều trường đại học (ĐH) còn sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp, đồng thời mở thêm nhiều ngành học mới.
Kết hợp nhiều phương thức
Theo đề án tuyển sinh vừa công bố, năm 2024 trường ĐH Nông Lâm TPHCM dự kiến tuyển 5.095 chỉ tiêu cho 3 cơ sở đào tạo bằng 5 phương thức. Trong đó, có tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và quy chế tuyển sinh của trường; xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) dự kiến tuyển khoảng 25 - 30% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2024, dự kiến tuyển khoảng 10 - 15% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, dự kiến tuyển khoảng 50 - 55% tổng chỉ tiêu.
Đặc biệt, lần đầu trường ĐH Nông Lâm TPHCM sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS và TOEFL (phương thức kết hợp) dự kiến xét tuyển khoảng 5 - 10% tổng chỉ tiêu. Điều kiện: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL ITP) trong thời hạn 2 năm tính đến 1/6/2024, đạt điểm bài thi IELTS từ 5.0 trở lên hoặc đạt điểm bài thi TOEFL ITP từ 470 trở lên, đồng thời phải có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của 2 môn còn lại trong tổ hợp môn xét tuyển.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG-HCM) cho biết, năm 2024, trường vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức kết hợp chiếm tỉ trọng chỉ tiêu lớn nhất (lên tới 90% tổng chỉ tiêu). Các phương thức xét tuyển cụ thể, gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và ĐHQG-HCM (từ 1 - 5% tổng chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG-HCM (từ 10 - 15% tổng chỉ tiêu); xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài (chỉ áp dụng cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, tiên tiến) từ 1 - 5% tổng chỉ tiêu; xét tuyển thí sinh dự tính du học nước ngoài vào chương trình chuyển tiếp quốc tế (Úc, New Zealand) với 1 - 5% tổng chỉ tiêu; xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí: kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học THPT, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng) dành từ 60 - 90% tổng chỉ tiêu.
Trong khi đó, trường ĐH Kiến trúc TPHCM năm nay tiếp tục giữ ổn định với 5 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT: 1% chỉ tiêu ngành; xét tuyển đối với các thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp (từ cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trở lên): 9% chỉ tiêu ngành; xét tuyển đối với các thí sinh tốt nghiệp THPT tại các trường THPT chuyên, năng khiếu trong cả nước: 15% chỉ tiêu ngành; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của ĐHQG-HCM: 25% chỉ tiêu ngành; xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: 50% chỉ tiêu ngành.
Mở ngành mới, tăng học bổng
Ông Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM) cho biết, năm 2024, trường tiếp tục giữ ổn định các phương thức xét tuyển.
Tính đến nay, đã có hơn 100 trường ĐH, học viện trên cả nước công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Trong đó, đa phần các trường đều giữ ổn định các phương thức tuyển sinh so với những năm trước, đồng thời mở thêm nhiều ngành mới. Những ngành được ưu tiên mở nhiều nhất là thiết kế vi mạch – công nghệ bán dẫn; trí tuệ nhân tạo…
Trường bắt đầu nhận nhiệm vụ tuyển sinh ngành quản lý theo quyết định của Giám đốc ĐHQG-HCM về việc sáp nhập bộ môn khoa học hành chính và quản trị từ Khoa Chính trị - Hành chính thuộc ĐHQG-HCM. Đây là chương trình đào tạo kết hợp kiến thức khoa học hành chính và quản trị. Sinh viên sẽ được đào tạo và phát triển năng lực lãnh đạo, điều hành, khả năng tư duy, phân tích cũng như tổng hợp thông tin phục vụ cho hoạt động lãnh đạo và quản lý nhà nước, phân tích các vấn đề liên quan đến chính sách công.
“Bên cạnh việc tích cực đầu tư cho chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, nhà trường quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và tổ chức các hoạt động phong trào đa dạng để tạo không gian học tập, sinh hoạt, phát triển cá nhân cho sinh viên; kết nối các doanh nghiệp cùng đồng kiến tạo các môn học mang tính ứng dụng thực tế” - ông Tiến cho hay.
Năm 2024, ĐH Kinh tế TPHCM tiếp tục giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển, tuyển sinh 56 chương trình đào tạo ở 11 lĩnh vực, từ Quản lý, Kinh doanh, Kinh tế, Ngôn ngữ đến Công nghệ và Thiết kế ứng dụng.
Năm nay, Đại học Kinh tế TPHCM mở mới 2 chương trình học tích hợp Công nghệ ứng dụng, gồm: Công nghệ nghệ thuật và Điều khiển thông minh và tự động hóa nhằm đón đầu xu thế ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn.
Để thu hút thí sinh đạt điểm cao, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM công bố chính sách khuyến khích tài năng, cấp học bổng khuyến tài cho thí sinh có điểm đầu vào cao với tổng giá trị khoảng 50 tỷ đồng.