Nhiều trường đại học tiếp tục 'khai sinh' loạt ngành học mới
Có những trường đại học ở TP.HCM dự kiến mở 6-7 ngành học mới, đặc biệt có những ngành đào tạo liên trường để đáp ứng nhu cầu của người học và cung ứng nguồn nhân lực.
Theo kế hoạch tuyển sinh dự kiến năm 2025, nhiều trường đại học (ĐH) tại TP.HCM tiếp tục mở mới nhiều ngành đào tạo để đáp ứng mục tiêu đa ngành, đa lĩnh vực và đáp ứng nhu cầu cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhiều trường "đua" mở ngành mới
Năm 2025, Trường ĐH Tôn Đức Thắng dự kiến xét tuyển theo 4 phương thức, gồm: xét theo kết quả quá trình học tập THPT; xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét theo kết quả bài thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia TP.HCM; phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường và xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, trường dự kiến tuyển sinh 7 chuyên ngành mới, gồm: Quản lý du lịch, Hướng dẫn du lịch (thuộc ngành Du lịch); Quản trị chuỗi cung ứng (ngành Quản trị kinh doanh); Kiểm toán và Phân tích dữ liệu (ngành Kiểm toán); Tài chính quốc tế (ngành Tài chính - Ngân hàng); Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn (ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông), Luật thương mại quốc tế (ngành Luật) - chương trình tiên tiến.
Tương tự, năm 2025, Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng dự kiến sẽ mở thêm 3 ngành học mới là Kiểm toán, Khoa học dữ liệu và Quản lý kinh tế.
Cạnh đó, trường sẽ tiếp tục xét tuyển 15 ngành học khác, bao gồm: Quản trị kinh doanh, Marketing, Tài chính - Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Hệ thống thông tin quản lý, Ngôn ngữ Anh, Toán kinh tế, Luật kinh tế, Công nghệ tài chính, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Kinh tế, Bất động sản.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm nay cũng tiếp tục tuyển sinh cho 45 ngành học như ở năm 2024. Cạnh đó, trường dự kiến mở thêm 6 ngành học mới, bao gồm Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm, Quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành Môi trường và phát triển bền vững), Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh, Vật lý kỹ thuật (định hướng Công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường), Công nghệ truyền thông (Truyền thông số và Công nghệ đa phương tiện).
Theo đại diện trường, định hướng của trường trong thời gian tới sẽ trở thành trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, bên cạnh thế mạnh đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ, những năm gần đây, trường đã mở rộng thêm các ngành học mới ở khối xã hội (luật, tâm lý), kinh tế... nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ở các lĩnh vực cũng như nhu cầu của người học.
Ngoài ra, năm 2025 cũng sẽ là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thành lập Phân hiệu tại tỉnh Bình Phước và sẽ tuyển sinh với 12 ngành học tại đây.
Tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), năm 2025, trường cũng dự kiến mở thêm ngành học mới là Luật thương mại quốc tế, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 37 ngành.
Xu hướng đào tạo liên ngành, liên trường
Cùng với xu hướng trở thành các trường đa ngành, việc mở mới những ngành đào tạo theo liên ngành, liên trường cũng bắt đầu được triển khai mạnh hơn từ năm 2025, đi đầu là ĐH Quốc gia TP.HCM.
Cụ thể năm 2025 này, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến tuyển 4.330 chỉ tiêu cho 30 ngành học. Trong đó, trường bắt đầu tuyển sinh ngành học mới là Công nghệ giáo dục, với chỉ tiêu 80-100 sinh viên.
Theo thông tin của trường, đây là hai ngành mới theo xu hướng đào tạo liên ngành, liên trường được thực hiện theo định hướng trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM những năm gần đây.
Trong đó, Công nghệ giáo dục là ngành đào tạo liên trường giữa Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Cụ thể, Trường ĐH Khoa học tự nhiên sẽ đào tạo khối kiến thức về công nghệ thông tin, trường còn lại đào tạo kiến thức chuyên sâu về giáo dục.
Phía đại diện trường cũng cho biết ngành học này được mở nhằm đáp ứng nhân lực khi nhu cầu học tập trực tuyến và các giải pháp EdTech (công nghệ giáo dục) khác đang tăng cao tại Việt Nam.
Sinh viên sẽ học trong 4 năm sau khi ra trường có thể làm việc ở các vị trí như nhân viên phân tích kinh doanh, chuyên viên tư vấn về mảng giải pháp ứng dụng công nghệ vào giáo dục; chuyên viên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ về mảng công nghệ giáo dục, giáo dục STEM/STEAM,…
Hoặc sinh viên ra trường cũng có thể đảm trách vị trí như nhân sự phụ trách tư vấn, thiết kế chương trình và đào tạo các môn khoa học tích hợp, robotics, tin học,… tại các đơn vị giáo dục; chuyên viên phụ trách về mảng tập huấn, đào tạo và thiết kế chương trình đào tạo cho các cơ quan, doanh nghiệp,…
Cùng với đó, trường cũng dự kiến mở thêm ngành Kinh tế đất đai, phối hợp cùng với Trường ĐH Kinh tế - Luật để đào tạo. Chỉ tiêu ban đầu khoảng 100 em, nhằm đáp ứng việc làm ở các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý đất đai, các ngân hàng, tổ chức tín dụng; trung tâm tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; trung tâm định giá đất, môi giới nhà đất, sàn giao dịch bất động sản.
Bên cạnh hai ngành dự kiến mở ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên, năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM còn dự kiến mở thêm một số liên ngành học mới như: Công nghệ nông nghiệp số, Kinh doanh nông nghiệp số, Công nghệ y - dược.
Đào tạo liên ngành, liên trường
Đào tạo theo hướng liên ngành, liên trường là một trong những chủ trương lớn được ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu triển khai từ năm 2024 với ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, giao cho Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn phối hợp Trường ĐH Kinh tế - Luật triển khai.
Mục đích của định hướng này nhằm tạo sự thuận lợi cho người học và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-truong-dai-hoc-tiep-tuc-khai-sinh-loat-nganh-hoc-moi-post832675.html