Nhiều trường ĐH trao học bổng, giảm học phí cho sinh viên vùng bão lũ
Nhiều trường ĐH tại TP HCM thực hiện chính sách giảm, giãn đóng học phí đối với sinh viên chịu ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) và lũ lụt.
Trường ĐH Mở TP HCM cho biết trường sẽ trao hơn 300 suất học bổng với tổng giá trị lên đến 1 tỉ đồng cho sinh viên các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt
GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu Trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết theo thống kê, trường có hơn 300 sinh viên đang theo học có hộ khẩu cư trú tại các tỉnh, thành khu vực phí Bắc chịu ảnh hưởng của bão Yagi và lũ lụt.
Nhằm sẻ chia, động viên tinh thần, tiếp thêm động lực để các em vượt qua khó khăn, tiếp tục con đường học tập, nhà trường trao hơn 300 suất học bổng với tổng giá trị 1 tỉ đồng cho các sinh viên tại các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ tiếp tục theo dõi và có những biện pháp hỗ trợ cần thiết về vật chất và tinh thần nhằm đảm bảo sinh viên không bị gián đoạn trong quá trình học tập do các yếu tố khách quan như thiên tai, bão lũ.
Chương trình học bổng hướng đến các sinh viên đang theo học tại trường, thuộc các khóa 2021, 2022, 2023 và 2024, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn đột xuất do thiên tai và có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành phía Bắc – khu vực chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão Yagi gồm: Hà Nội, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La.
Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) đã triển khai các chương trình "Học bổng hỗ trợ" và chương trình "Giãn thời gian đóng học phí" nhằm hỗ trợ sinh viên các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 năm 2024.
Theo đó, UEH dành 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10.000.000 đồng trao cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn các khóa 47, 48, 49 và 50 có hộ khẩu thường trú tại 26 địa phương miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3 năm 2024 gồm: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho tất cả sinh viên và gia đình thuộc 26 tỉnh, thành trên giảm bớt áp lực tài chính trong thời điểm khó khăn hiện tại, UEH cũng cho giãn thời gian đóng học phí học kỳ đầu năm 2025 đến ngày 15-1-2025.
Trường ĐH Công thương TP HCM đang thu thập thông tin tình hình sinh viên có gia đình, người thân bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão Yagi. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám hiệu Trường ĐH Công Thương TP HCM, Phòng Công tác sinh viên và Thanh tra giáo dục đang triển khai khảo sát nhanh tình hình sinh viên có gia đình, người thân bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão Yagi, thời gian thực hiện khảo sát từ ngày 12-9 đến hết ngày 18-9.
Sau thời gian này, căn cứ vào kết quả khảo sát, Phòng Công tác sinh viên và Thanh tra giáo dục đề xuất lãnh nhà trường về chính sách hỗ trợ sinh viên trong trường hợp gia đình, người thân có thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống.
Theo đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, sinh viên các tỉnh, thành thiệt hại do bão Yagi học ở trường được nhà trường miễn, giảm, giãn đóng học phí tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Ngày 16-9, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các trường ĐH, CĐ sư phạm thực hiện các biện pháp hỗ trợ đới với sinh viên bị thiệt hại sau cơn bão số 3. Trong công văn này, Bộ GD-ĐT nêu rõ trong thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc chị thiệt hại nặng nề về tài sản, tính mạng do bão số 3 gây ra, trong đó có học sinh, sinh viên và gia đình học sinh, sinh viên...
Để tiếp tục hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi bảo lũ sớm ổn định việc học tập, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH, các trường CĐ sư phạm quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện miễn, giảm học phí và các chế độ hỗ trợ tài chính phù hợp với hoàn cảnh của từng sinh viên.
Bộ GD-ĐT cho biết theo số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ GD-ĐT tổng hợp, tính đến thời điểm ngày 16- 9, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là: 1.260 tỷ đồng (Một nghìn hai trăm sáu mươi tỷ đồng); hư hỏng 41.564 bộ sách giáo khoa.