Nhiều trường học lúng túng trong tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh

Mô hình ăn bán trú tạo điều kiện thuận lợi trong học tập và sinh hoạt của học sinh và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, khi Luật Đấu thầu năm 2023 (có hiệu lực từ năm 2024) một số trường học trong tỉnh thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu năm 2023 gặp lúng túng trong tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn cho học sinh.

 Chế biến bữa ăn cho trẻ tại cuộc thi “Nhân viên nuôi dưỡng giỏi” cấp học mầm non tỉnh Bắc Kạn.

Chế biến bữa ăn cho trẻ tại cuộc thi “Nhân viên nuôi dưỡng giỏi” cấp học mầm non tỉnh Bắc Kạn.

Mô hình ăn bán trú tạo thuận lợi cho học sinh

Trường THCS Bộc Bố (Pác Nặm, Bắc Kạn) hiện có 9 lớp với 337 học sinh, trong đó gần 92% học sinh người dân tộc thiểu số; nhiều em có nhà cách trường khoảng 9km. Nhờ mô hình ăn bán trú mà học sinh có chỗ ăn, ở, nghỉ ngơi, và học tập tập trung. Các em thuận lợi trong tiếp cận nguồn tài liệu, giáo viên và các hoạt động ngoại khóa...

Thầy giáo Phùng Anh Tú, Hiệu trưởng Trường THCS Bộc Bố cho biết: Những năm qua, nhà trường ký hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm tại địa phương để tổ chức bếp ăn bán trú. Nguồn thực phẩm đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Các bữa ăn của học sinh tại trường có giá thành rẻ và đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo Luật Đấu thầu 2023, năm học 2024-2025, việc mua thực phẩm phục vụ ăn bán trú phải tổ chức đấu thầu. Nhà trường lo ngại thực phẩm của các nhà trúng thầu cung cấp có thể không phải là nông sản, thực phẩm của địa phương tự sản xuất, bởi chất lượng thực phẩm bản địa ngon và sạch hơn. Chúng tôi mong muốn được ký kết hợp đồng với nhà cung cấp ở địa phương không qua đấu thầu, để các suất ăn vừa đủ chất dinh dưỡng, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm mà vẫn rẻ, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm.

Năm học 2024-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm có 31/31 trường (cơ sở giáo dục) trực thuộc tổ chức nấu ăn cho học sinh. Đến thời điểm này, các nhà trường vẫn tổ chức nấu ăn cho học sinh, nhưng chưa có trường nào tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2023 về mua thực phẩm phục vụ ăn bán trú. Ông Hoàng Văn Duy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thông tin: Để bảo đảm tổ chức hoạt động dạy và học theo kế hoạch thời gian năm học 2024- 2025, trước mắt Phòng chỉ đạo các trường trực thuộc tổ chức ăn bán trú như đã thực hiện những năm học trước; đồng thời kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác đấu thầu (nếu có) trong thời gian tới.

 Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Mầm non Sông Cầu (TP. Bắc Kạn).

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Mầm non Sông Cầu (TP. Bắc Kạn).

Hướng dẫn của cơ quan chức năng

Không chỉ riêng huyện Pác Nặm, năm học 2024 – 2025, nhiều trường học trong tỉnh tổ chức ăn bán trú cho học sinh từ vốn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu năm 2023 đang gặp lúng túng khi tổ chức đấu thầu sẽ phát sinh các chi phí như: Chi phí tư vấn lập hồ sơ mời thầu, chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu, các chi phí này chưa có hướng dẫn cụ thể chi từ nguồn nào. Khi có hướng dẫn, nếu làm theo đúng quy trình thì đến tháng 11, tháng 12 mới xong. Như vậy, toàn bộ hoạt động bán trú, kế hoạch dạy buổi 2 trong nhà trường ngoài chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không thực hiện được.

Trước vướng mắc phát sinh trên, ngày 13/9/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo có Văn bản số 2163/SGDĐT-KHTC về việc đề nghị các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính hướng dẫn lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ngày 20/9/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 1822/KH&ĐT-KTN. Theo đó, các trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu năm 2023. Về chi phí cho đấu thầu, theo Công văn hướng dẫn số 2029/STC-QLCS ngày 24/9/2024 của Sở Tài chính: Nếu nguồn kinh phí Nhà nước thì sử dụng kinh phí từ Nhà nước; kinh phí từ khoản thu khác thì lấy từ nguồn thu khác để thực hiện.

Sau khi có văn bản hướng dẫn của các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, ngày 24/9/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo ra Văn bản số 2278/SGDĐT-KHTC về việc đề nghị các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện nghiêm việc lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo quy định./.

Năm học 2024-2025 toàn tỉnh Bắc Kạn có 280 trường mầm non, phổ thông, trong đó có nhiều cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đang thực hiện tổ chức nấu ăn cho học sinh, cụ thể như sau:

07 trường phổ thông dân tộc nội trú tổ chức nấu ăn cho học sinh kinh phí được Nhà nước cấp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/05/2009;

37 trường phổ thông dân tộc bán trú; trường phổ thông có học sinh bán trú có tổ chức nấu ăn cho học sinh kinh phí được nhà nước hỗ trợ theo quy định Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/07/2016;

106 trường mầm non công lập tổ chức nấu ăn cho học sinh trong đó có một số trường mầm non có học sinh được nhà nước hỗ trợ kinh phí theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP;

88 trường mần non và 53 trường tiểu học tổ chức nấu ăn cho học sinh kinh phí từ khoản thu thỏa thuận với phụ huynh học sinh theo quy định tại Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Việt Bắc

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nhieu-truong-hoc-lung-tung-trong-to-chuc-bep-an-ban-tru-cho-hoc-sinh-post66466.html