Nhiều trường hợp khó khăn khi chưa được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 ở Tiền Giang
Vướng trong khâu thủ tục, lúng túng trong khâu xét duyệt của chính quyền cấp cơ sở, khiến nhiều trường hợp khó khăn tại tỉnh Tiền Giang chưa được xem xét để nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68.
Đến thời điểm này, một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và nhân viên phục vụ ngành du lịch ở tỉnh Tiền Giang chưa nhận được sự hỗ trợ khó khăn do ngừng hoạt động khi bùng phát dịch Covid-19.
Ông Võ Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Việt Phong tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè cho biết, doanh nghiệp của ông có giấy đăng ký kinh doanh tại xã Đông Hòa Hiệp nhưng Văn phòng giao dịch tại Thị trấn Cái Bè. Khi doanh nghiệp làm hồ sơ xin được hỗ trợ cho nhân viên thất nghiệp theo NQ 68 thì không nơi nào nhận hồ sơ.
“Tôi nộp đơn xin trợ cấp cho người lái tàu và nhân viên nhà hàng đến thị trấn Cái Bè thì thị trấn không nhận đơn. Thị trấn yêu cầu phải có giấy của xã Đông Hòa Hiệp chuyển ra mới nhận. Ở xã Đông Hòa Hiệp thì kêu phải đến Sở Văn hóa- Thể thao du lịch hay Hiệp Hội du lịch duyệt chứ xã không có duyệt. Các chốt không cho ra vô rất khó. Tôi không biết chính xác nên gửi đơn đến chỗ nào bây giờ”, ông Phong bức xúc.
Theo văn bản hướng dẫn số 1453 của Sở Lao động –Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang, danh sách các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, do chính quyền địa phương lập và gửi về Phòng LĐ-TB&XH huyện xét duyệt, sau đó gửi về Sở LĐ-TB&XH để trình UBND tỉnh phê duyệt chi hỗ trợ.
Ba nhóm đối tượng được xét hỗ trợ theo Quyết định 1910 của UBND tỉnh Tiền Giang gồm, hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động bị ngừng việc; người lao động tự do.
Qua nhiều lần xét duyệt, đến nay tỉnh Tiền Giang có hơn 33.800 lượt người được xem xét hỗ trợ khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với tổng kinh phí hỗ trợ gần 51 tỷ đồng. Các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã chi hỗ trợ cho 27.500 người, đạt khoảng 81%, với tổng số tiền đã chi hỗ trợ hơn 41 tỷ đồng. Hiện tại, các huyện đang tiếp tục khẩn trương hoàn tất chi hỗ trợ cho các trường hợp còn lại.
Tuy nhiên, hồ sơ, thủ tục để xét duyệt hỗ trợ vẫn còn rườm rà, thậm chí chưa rõ ràng, khó hiểu, dẫn đến nhiều xã phường, thị trấn còn lúng túng khi triển khai thực hiện từ việc chọn đối tượng để đưa vào danh sách đề nghị về trên để thực hiện Nghị quyết 68.
Theo công văn hướng dẫn số 1453 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, hồ sơ gửi từ cấp huyện gửi về Sở này phải có đủ 4 văn bản gồm công văn của UBND cấp huyện, biên bản họp thẩm định của UBND cấp huyện, mẫu tổng hợp các đơn vị đủ điều kiện hỗ trợ, hồ sơ theo Điều 15 của Quyết định 23/QĐ-TTG...
Tại chợ Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có hàng trăm hộ mua bán nhỏ bị ngừng kinh doanh, có cuộc sống khó khăn nhưng đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ vì 2 xã Song Thuận và Vĩnh Kim chậm xét duyệt cho các trường hợp này. Trong khi đó, theo văn bản hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, các hộ này không phải mua bán lưu động, bán hàng rong nên chính quyền địa phương khó giải quyết.
“Bây giờ chúng tôi đang làm từng đợt, ưu tiên lĩnh vực giải trí trước, tiếp là bán hàng ăn uống, bán hàng rong. Chợ Vĩnh Kim đã ngưng lâu rồi, không có bán hàng. Chúng tôi đã lập danh sách bán hàng rong ngoài chợ trên 300 người, xét rồi đã gửi về huyện, tỉnh nhưng đợt này chưa có tiền hỗ trợ cho dân”, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim cho biết thêm.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, hiện nay, có 80 doanh nghiệp gửi danh sách đề nghị hỗ trợ cho người lao động tạm dừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp với 28.000 lao động.
Ngoài ra, hiện các địa phương còn đề xuất mở rộng thêm các đối tượng nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đang được Sở đề xuất UBND tỉnh xem xét như: thợ hồ, phụ hồ, thợ sơn; tài xế chạy xe dịch vụ; người làm thuê, người làm ở các tiệm sửa xe gắn máy; người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp... với khoảng 80.000 người, kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 120 tỷ đồng. Đây là khối lượng thủ tục khá lớn khi triển khai.
Nghị quyết 68 của Chính phủ hiện nay rất kịp thời và cần thiết để góp phần chia sẻ những khó khăn cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch. Để chính sách ưu việt này tiếp tục lan tỏa tác dụng trong cuộc sống, chính quyền và các ngành chức năng ở tỉnh Tiền Giang cần sớm đơn giản hóa các thủ tục, khẩn trương xét duyệt đúng đối tượng, trên tinh thần công tâm, khách quan để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn./.