Nhiều tuyến đường đặt tên sai là do UBND TP.HCM
Trong số số 38 tuyến đường tại TP.HCM đặt sai tên hiện nay, có nhiều tuyến đường đặt sai tên là do quyết định của UBND TP và các quận huyện cũng như do lịch sử để lại.
Chia sẻ với báo chí về tình trạng các tên đường tại TP.HCM viết tắt, đánh số khó hiểu và sai tên, chiều 16.2 ông Lâm Ngô Hoàng Anh - Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, việc đặt tên đường được thực hiện theo Nghị định 91 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT của Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng kèm theo Nghị định 91.
Hiện trên địa bàn TP có hơn 2.000 tuyến đường được đặt tên. Trong thời gian qua, Sở đã phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện bổ sung địa danh, tên nhân vật lịch sử, tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng… vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng.
Tuy nhiên, trên địa bàn TP với tốc độ đô thị hóa, nhiều tuyến đường được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, một số tổ chức đơn vị đã chủ động đặt tên đường theo số thứ tự, chữ cái A, B, C hoặc địa danh gắn với số thứ tự. Chẳng hạn đường Thới An 06, Tân Thới Nhất 21, TTN21…
Trong Đề án “Công tác đặt tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020” do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Trung tâm nghiên cứu độ thị và phát triển thành phố thực hiện cho thấy, hiện TP có đến 38 tên đường không chính xác.
Nguyên nhân của việc 38 tên đường đặt không chính xác theo ông Lâm Ngô Hoàng Anh, có 3 nguyên nhân gồm: người thực hiện sai so với quyết định đặt tên đường của UBND TP; tên đường là các nhân vật lịch sử gọi theo phương ngữ hoặc húy kỵ; tên đường sai do quyết định của UBND TP, quyết định của UBND quận, huyện hoặc do lịch sử để lại.
“Hiện có 6 tên đường đặt sai do quyết định của UBND TP, 1 tên đường đặt sai do quyết định của UBND quận - huyện và 10 tên đường đặt sai là do lịch sử để lại”, ông Lâm Ngô Hoàng Anh cho biết.
Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, trong Nghị định 91 nêu rõ: không đổi tên đường, phổ biến và công trình công cộng đã có tên quen thuộc, đã gắn với lịch sử - văn hóa dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hay của địa phương, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét cẩn trọng.
“Hiện Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan đồng thời lấy ý kiến của nhân dân, Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên và lộ trình công trình công cộng trên địa bàn TP để có phương án phù hợp điều chỉnh tên đường đối với nhóm 1 và nhóm 2, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, ông Lâm Ngô Hoàng Anh thông tin.
Bên cạnh đó, ông Lâm Ngô Hoàng Anh lưu ý hiện nay tại một số quận huyện có một số dự án tùy tiện đặt tên đường trong khu dân cư. Việc làm tùy tiện này dẫn đến sai chính tả, sai tên danh nhân. Sở Văn hóa và Thể thao sẽ triển khai vấn đề này đến phòng văn hóa các quận huyện để có biện pháp chấn chỉnh.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhieu-tuyen-duong-dat-ten-sai-la-do-ubnd-tp-hcm-193228.html