Những ngày qua, nhiều hộ dân sinh sống dọc tuyến Kênh Cơi 4 - Quảng Hảo (thuộc ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) sống trong hoang mang vì con đường trong ấp vừa hoàn thành hơn một năm đã bị sụt lún, sạt lở.
Sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến giao thông còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nhà cửa.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Nam Chinh (ngụ ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi), gia đình ông có khoảng 2ha đất trồng lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.
"Sắp tới, không biết máy gặt, vận chuyển lúa bán cho thương lái bằng cách nào, do kênh nội đồng giờ đây đã cạn, trong khi tuyến đường bê tông bị sạt lở, phương tiện lớn không đi được", ông Chinh lo lắng.
Theo ông Nguyễn Trung Hậu (ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi), "Hôm mùng 1 tết Nguyên đán 2024, tôi nghe tiếng sình (bùn) sôi ục ục, rồi mặt đất cũng từ từ nứt toác. Mấy cây dừa, vú sữa trồng ven kênh và một đoạn đường sụp xuống lòng kênh", ông Hậu kể lại.
Ông Hậu cho biết, tuyến giao thông dọc kênh Quảng Hảo chỉ hơn 2km nhưng có gần 10 vị trí mới xuất hiện nhiều điểm đất bị nứt, kéo theo các rãnh sâu vào mặt đường, có thể sụp bất kể lúc nào.
Trước đó, đêm 31/1, tuyến đường bên Kênh số 2, ấp Rạch Ruộng C, xã Khánh Lộc (huyện Trần Văn Thời) cũng bị sụt lún hoàn toàn, gây chia cắt giao thông. Sự cố xảy ra đêm 31/1/2024.
Tính đến ngày 15/2, trên địa bàn 9 xã, thị trấn của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã xảy ra sụt lún, sạt lở đất, làm hư hỏng 39 tuyến đường, với 111 vị trí sạt lở, tổng chiều dài hơn 4km, ước tính thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng.
Lo tình trạng hạn hán nặng sẽ tiếp diễn như mùa khô năm 2016 và 2020, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (người chỉ tay) đã kiểm tra thực địa...
Cùng đi là ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (người mặc áo sậm) và đại diện các sở, ngành, đã khảo sát thực tế tại huyện Trần Văn Thời.
Qua kiểm tra, lãnh đạo tỉnh Cà Mau chỉ đạo địa phương cắt, tỉa những cây thân gỗ lớn trên tuyến đường có nguy cơ sụt lún. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương khẩn trương khảo sát tính toán lại phương án tập kết, vận chuyển lúa và thực hiện phân luồng, hạn chế xe lưu thông tuyến đường nguy cơ sạt lở.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu các địa phương cần quản lý chặt, không cho người dân nạo vét kênh, sông, rạch có đường giao thông quan trọng, nguy hiểm dễ bị sạt lở. Sở Giao thông vận tải cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát toàn tuyến và đưa ra giải phòng ngừa sụt lún.
"Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cho cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình, thực hiện các biện pháp cần thiết như duy tu, sửa chữa, gia cố các công trình, vị trí xung yếu có nguy cơ cao xảy ra sụt lún", Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu.
Bàn về giải pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ông Tô Văn Thanh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đưa ra các giải pháp như: Bơm bùn, đưa nước, đào thêm ao và đất đắp phản áp (bù áp suất do lượng nước các kênh sụt giảm).
"Bơm bùn rất thuận lợi ở tuyến đê biển vì chi phí rẻ. Với đường giao thông nông thôn đang có nguy cơ lún sụt, cần có giải pháp nạo vét đất ở phía đối diện đắp bù chỗ nguy cơ sạt lở, sụt lún, hoặc chuẩn bị sẵn bao tải cát ứng phó kịp thời", ông Thanh hiến kế.
Về lâu dài, ông Thanh kiến nghị ngành chức năng tỉnh Cà Mau cần tính toán đẩy sớm thời vụ; Người dân xem xét việc đào thêm ao vừa nuôi được thủy sản nước ngọt, vừa bổ sung nước trong lúc khốc liệt nhất hoặc cân nhắc chuyển đổi mô hình tôm - lúa vừa hiệu quả, vừa đảm bảo công trình.
Vùng ngọt Trần Văn Thời từng hai lần xảy ra hạn hán nặng nề vào mùa khô 2015-2016 và 2019-2020. Tại các năm nêu trên, hầu hết các kênh, rạch ở huyện Trần Văn Thời bị khô cạn, gây nên tình trạng sụt lún làm hư hỏng rất nhiều tuyến lộ giao thông trọng yếu và giao thông vùng nông thôn. Ngoài ra, cây trồng, vật nuôi cũng bị giảm năng suất do khô hạn gây nên.
Gia Minh