Nhiều tuyến đường mới kết nối với cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây
Vùng biển thụt lùi hàng chục năm qua đang có dấu hiệu hồi sinh khi nhiều con đường tiền tỉ được đầu tư.
Ngày 12-12, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai vừa dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra tình hình chuẩn bị đầu tư tuyến đường nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xuống đường ĐT.719B ven biển.
Làm đường mới gần 1.000 tỉ đồng
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết Dự án đường Hàm Kiệm-Tiến Thành nối với cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây xuống đường ĐT.719B chạy song song với đường ĐT719 hiện hữu sẽ mở ra động lực phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh.
“Tỉnh đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội đã đồng ý. Bộ KH&ĐT cũng đang thẩm định, phân bổ vốn, khi đủ điều kiện sẽ triển khai ngay” - ông Hai nói.
Theo ông Nguyễn Tấn Lê, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sau khi dẫn xuống QL1 sẽ nối với đường Hàm Kiệm-Tiến Thành dẫn xuống ven biển. Con đường này dài khoảng 10,2 km, rộng nền đường 37 m đến điểm kết nối với đường ĐT.719B tại Tiến Thành (Phan Thiết) thì chấm dứt. Riêng đường ĐT719B dài hơn 25 km chạy song hành với đường ĐT719 hiện hữu ven biển.
Hai con đường này sẽ giao nhau ở khu vực Hòn Lan (Tân Thành, Hàm Thuận Nam) gần mũi Kê Gà. Lúc này hai con lộ sẽ tiếp tục song hành và đường mới ĐT.719B sẽ chạy vòng xuống ven biển rồi cả hai con đường cùng nối với thị xã La Gi và QL55 đi Vũng Tàu.
Tổng vốn đầu tư của đường Hàm Kiệm-Tiến Thành là hơn 460 tỉ đồng. Riêng làm mới đường ĐT.719B gần 1.000 tỉ đồng và nâng cấp, mở rộng 32 km đường ĐT719 hiện hữu khoảng 600 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của PV về việc vì sao tỉnh lại quyết định đầu tư cùng lúc nhiều tuyến đường mới xuống khu vực biển Kê Gà, Tân Thành, ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết tỉnh đang rất kỳ vọng về những khởi sắc của vùng đất này.
“Các trục đường chính, kết cấu hạ tầng giao thông nối cao tốc, QL1 xuống biển sẽ tạo ra sức hút phát triển du lịch, chuỗi đô thị ven biển ở đây với quỹ đất, không gian mở rất lớn. Các con đường này đều nối QL55 đi Bà Rịa Vũng Tàu đến Sân bay Long Thành ở phía Nam còn ở phía Bắc sẽ kết nối với Cảng hàng không Phan Thiết. Tỉnh đang kỳ vọng khu vực này sẽ trù phú, giàu có bởi hiện đang có rất nhiều dự án với vốn đầu tư rất lớn đầu tư vào vùng đất này” - ông Hai chia sẻ.
Kê Gà - Tân Thành là vùng biển vô cùng hoang sơ, xinh đẹp và từng là cụm quy hoạch phát triển kinh tế Nam Bình Thuận. Thế nhưng trong lúc hàng chục nhà đầu tư du lịch đổ tiền tỉ xuống để xây dựng resort, khu nghỉ dưỡng thì bất ngờ năm 2010 phải dừng lại nhường đất cho dự án cảng Kê Gà do Tập đoàn Than & Khoáng sản đầu tư.
Sau nhiều lần tuyên bố khởi công rồi dừng lại, đến năm 2013 dự án cảng này được Thủ tướng Chính phủ thông báo không hiệu quả, ngưng xây dựng. Ngoài lỡ nhịp đầu tư, quy hoạch rồi xóa quy hoạch đã có biết bao hệ lụy dẫn đến và vùng đất tội nghiệp nhưng đầy tiềm năng này phải đi thụt lùi hàng chục năm.
Ông Nguyễn Ngọc Hai thừa nhận đây là những bất lợi của vùng đất này nhiều năm qua. Tuy nhiên theo ông Hai, chính những bất lợi này nay lại trở thành thành lợi thế của Kê Gà bởi quỹ đất rộng, biển còn hoang sơ, dễ dàng cho công tác quy hoạch thu hút các nhà đầu tư dịch vụ du lịch cao cấp.
Theo ông Hai, ngoài các tuyến đường nêu trên còn có ba tuyến đường khác hiện hữu rất quan trọng đều kết nối về Kê Gà là đường Hàm Minh - Thuận Quý; đường Tà Cú - Tân Thuận và đường từ ngã ba 46 kết nối Hàm Tân - La Gi.
Cả ba tuyến đường trên đều có điểm đầu là QL1 cùng với các tuyến đường mới sẽ là đòn bẩy đưa vùng đất Kê Gà trở thành điểm đến trong tương lai gần.
Cân nhắc chọn nhà đầu tư có tiềm lực
Một chuyên gia về kinh tế cho rằng hiện hiếm có địa phương nào sở hữu một bờ biển dài, hoang sơ, quỹ đất rộng như bãi biển Thuận Quý-Tân Thành. Do đó khi hạ tầng giao thông kết nối, tỉnh nên cân nhắc chọn nhà đầu tư có tiềm lực, không nên làm manh mún và đặc biệt chỉ chấp nhận đầu tư hướng đối diện còn bãi biển phải là không gian mở.
Tỉnh Bình Thuận cũng mở ra hướng đột phá về hạ tầng giao thông là chấp nhận cho những nhà đầu tư có tiềm lực tự bỏ vốn ra kết nối giữa khoảng cách hai con đường ĐT.719 và ĐT.719B. Cụ thể, ngoài điểm giao nhau ở Hòn Lan, các chủ đầu tư trình lên phương án mở đường ngang nối giữa hai con lộ này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của mình.
Hiện tỉnh đã yêu cầu Sở GTVT phối hợp với Sở KH&ĐT sớm hoàn chỉnh hồ sơ dự án tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án của một công ty. Công ty này tự bỏ vốn để đầu tư khoảng 2,4 km đường theo quy mô và quy hoạch được phê duyệt trong tháng 1-2020.
Tỉnh Bình Thuận cho biết Bộ KH&ĐT cũng đang tổng hợp, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho hai dự án này. Dự kiến trong năm 2020 nguồn vốn Trung ương hỗ trợ từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn (2016 - 2020) cho hai dự án này khoảng 600 tỉ đồng.
Qua kiểm tra thực địa, ông Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu Sở GTVT triển khai các bước tiếp theo để chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó tập trung khảo sát, cắm mốc, lập hồ sơ thủ tục có liên quan… Ngay khi Bộ KH&ĐT có văn bản thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án, Sở KH&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Đồng thời, Sở Xây dựng rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất hai bên đường ĐT.719B phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều dự án “khủng”
Ngoài Dự án Cánh đồng gió ngoài khơi (offshore wind farm) dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển mũi Kê Gà khoảng 20 km tới 50 km với số vốn 11,9 tỉ USD do Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) đầu tư, theo UBND tỉnh rất nhiều nhà đầu tư lớn đã chú ý đến vùng đất này.
Cụ thể, ngày 10-12, Công ty CIP Đan Mạch đã đến và bày tỏ mong muốn được đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, với tổng công suất khoảng 600 MW trong giai đoạn (2020-2024); 3.000 MW trong giai đoạn (2026-2030).
Trước đó, ngày 9-12, các nhà đồng đầu tư gồm: Energy Capital Việt Nam; Excelerate Energy (Hoa Kỳ) và KOGAS (Hàn Quốc) đã đến Bình Thuận làm việc về Dự án Nhà máy điện sử dụng nhiên liệu LNG. Đây là Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5 tỉ USD, đặt tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Tổng công suất nhà máy sau khi hoàn thành vào năm 2023-2025 sẽ đạt mức 3200 MW. Nguồn nhiên liệu LNG sử dụng phục vụ cho nhà máy được nhập khẩu trực tiếp từ Hoa Kỳ.