Nhiều tuyến đường ở miền Trung, Tây Nguyên bị ngập và sạt lở do mưa lớn
Chiều 29-11, hàng ngàn hộ dân các xã cánh Bắc huyện Hoài Ân và nhiều xã vùng hạ du sông Kôn thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) đã bị nước lũ cô lập, nhiều vùng ngập sâu trên 1 mét nước.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho biết, mưa lớn, lũ ở thượng nguồn đổ về mạnh đã gây ngập lụt 4 xã cánh Bắc huyện này, gồm: Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín. “Ước tính sơ bộ vào chiều nay có trên 1.000 nhà dân bị ngập nặng, cô lập. Nhiều vùng dân cư bị ngập sâu trên 1m nước”, ông Khúc thông tin nhanh.
Chiều 29-11, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, các địa phương Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín đã bố trí lực lượng sử dụng phương tiện đến các vùng xung yếu để hỗ trợ người dân.
Tại tuyến giao thông từ xã Ân Hảo Đông đi Ân Hảo Tây bị ngập nặng, chia cắt, nước lũ chãy xiết. Tuyến ĐT639 cũng bị ngập sâu nhiều vị trí, nước cuộn xiết không thể qua lại được. Một số hộ dân vùng thấp trũng buộc phải đóng cửa nhà di dời đến nơi an toàn để tránh lũ.
Trong 2 ngày qua, mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều nơi ở tỉnh Ninh Thuận bị ngập sâu trong nước, hàng trăm ngôi nhà bị ngập và hàng chục hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.
Liên tục trong 2 ngày 28 ngày 29-11, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa lớn kéo dài, khiến nhiều khu vực tại TP Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Ninh Hải bị ngập sâu trong nước.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ninh Hải, trong 15 giờ qua, trên địa bàn có mưa rất to đã làm ngập 439 căn nhà của người dân 3 xã Tân Hải, Nhơn Hải và Thanh Hải; 553ha lúa đang giai đoạn làm đòng bị ngập nặng; hàng trăm hécta cây rau màu bị thiệt hại nặng. Đợt mưa lớn còn làm kênh Bắc (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) bị sạt lở 20m.
Ngay khi xảy ra sự việc, huyện Ninh Hải đã di dời 65 hộ/138 khẩu tại các xã Tân Hải, Nhơn Hải, Thanh Hải sống ở các khu vực ven suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất,… đến nơi an toàn để tránh trú. Đồng thời, triển khai các phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu,… cho các địa điểm sơ tán dân.
Tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, trong 2 ngày qua, mưa lớn cũng khiến nhiều khu vực bị ngập sâu trong nước, các phương tiện tham gia giao thông rất khó khăn. Đặc biệt, tại khu vực phường Phủ Hà, nước ngập có đoạn gần 1m làm hàng trăm hộ sống trong vùng trũng nơi đây dường như bị cô lập.
Theo thông báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, trong 12 giờ tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận khuyến cáo người dân chú ý an toàn khi đi qua các đường tràn, đề phòng sạt lở đất, cẩn trọng khi tham gia giao thông trên đường đèo, đường ven biển,…
Trưa ngày 29-11, ông Phan Mười, Phó Giám đốc Sở GT-VT Kon Tum, cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn nên đường Trường Sơn Đông bị sạt lở nặng.
Theo ông Nguyễn Quảng, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ tỉnh Kon Tum (đơn vị quản lý tuyến đường), ở tuyến đường trên, có 2 vị trí bị sạt lở nằm ở Km193+000 và Km203+550 (địa phận xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) với khối lượng đất đá sạt lở khoảng 2.000m3, gây tắc đường hoàn toàn. Thời điểm diễn ra sạt lở vào khoảng 5 giờ ngày 29-11.
Sau khi diễn ra sự việc, đơn vị đã huy động lực lượng, máy móc để nạo vét, khơi thông. Đến 10 giờ 30 cùng ngày, đoạn bị sạt lở đã được thông xe 1 làn. Hiện tại trời đang mưa lớn, gây khó khăn cho việc khắc phục. Đơn vị vẫn đang túc trực để tiếp tục thông tuyến.
Cũng theo ông Quảng, do ảnh hưởng của mưa lớn nên đường Hồ Chí Minh (do đơn vị quản lý) cũng bị sạt lở ta luy dương ở Km1409+040 (đoạn qua xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum). Thời điểm sạt lở diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 29-11 với khối lượng sạt lở khoảng 300m3, gây tắc giao thông hoàn toàn. Đây là tuyến đường huyết mạch từ Kon Tum xuống Quảng Nam nên đơn vị đã dốc toàn lực để khắc phục. Đến 15 giờ cùng ngày, vẫn chưa thể thông xe.
Chiều ngày 29-11, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Ngãi có thông tin công tác ứng phó mưa lớn, thiệt hại ban đầu tính đến 16 giờ cùng ngày.
Hiện nay, lũ trên các sông trong tỉnh đang lên và dao động ở mức cao. Dự báo trong 24 giờ tới, lũ trên các sông tiếp tục lên và dao động ở mức cao sau đó giảm dần.
Mưa lớn từ ngày 28-11 đến 16 giờ ngày 29-11, đã làm các phường Phổ Ninh, Phổ Văn (thị xã Đức Phổ) bị ngập lụt trung bình từ 0,7-1m. Có 600 nhà tại thị xã Đức Phổ bị ngập khoảng 0,5m, lực lượng đã hỗ trợ người dân kê cao đồ đạc, tài sản, di dời, sơ tán...
Tại huyện Nghĩa Hành, các xã lưu vực sông Vệ như Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện bị ngập đường giao thông khoảng từ 0,3-0,5m. Địa phương đã chủ động di dời 42 hộ dân tại thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Tây, đến nơi an toàn đề phòng lũ lên cao.
Các tuyến quốc lộ như đoạn QL24, QL24C bị sạt lở, bồi lấp rãnh, lề, mặt đường. Các tuyến đường tỉnh, đường Dung Quất - Sa Huỳnh, đường Trường Sa, đường Hoàng Sa cũng xảy ra sạt lở, bồi lấp rãnh, lề, mặt đường.
Các tuyến giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường xã tại các huyện miền núi tiếp tục bị hư hỏng, sạt lở, trong đó, huyện Minh Long, tuyến đường Long Môn - Làng Ren bị sạt lở với chiều dài khoảng 40m, 3 cầu cống bị hư hỏng (Minh Long).
Bờ sông Trà Câu đoạn qua các phường Phổ Minh, Phổ Văn (thị xã Đức Phổ) tiếp tục bị sạt lở tại nhiều vị trí với tổng chiều dài khoảng 3.900m…
Hiện nay, các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước, trong đó hồ có tràn tự do, hồ có cửa van điều tiết đã đạt 93,8%-100% dung tích. Riêng hồ chứa nước Nước Trong, mực nước đang ở cao trình 127.68m, dung tích đạt khoảng 269,30 triệu m3 (93,02%). Hồ thủy điện Đakđrinh, tính đến 16 giờ cùng ngày, mực nước hồ chứa đang ở cao trình 409.97m, dung tích khoảng 248,25 triệu m3 (99,90%).