Nhiều tuyến kênh mương địa phương xuống cấp
Hiện nay, nhiều tuyến kênh mương do địa phương quản lý đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Có vai trò hỗ trợ đắc lực cho tưới tiêu nhưng hiện nay hệ thống kênh mương do địa phương quản lý đang xuống cấp, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp.
Nhiều hạn chế
HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) quản lý hơn 5 km kênh dẫn trạm bơm. Năm 2013, địa phương kiên cố hóa được 1,5 km kênh song hiện tại nhiều đoạn đã bong tróc, hư hỏng. Số kênh đất còn lại cũng bị bồi lắng từ lâu, cỏ dại xâm lấn mà chưa có kinh phí nạo vét, tu bổ. Không những vậy, hơn 24km mương xương cá dẫn nước trên ruộng cũng không còn phát huy hiệu quả. Vì thế ở nhiều khu đồng, người dân đã lấp, lấn chiếm mương để canh tác. Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX cho biết HTX đang loay hoay, chưa có phương án xử lý tình trạng kênh mương xuống cấp gây khó khăn cho việc tưới tiêu. Trong khi đó, xã có diện tích canh tác lớn với hơn 350 ha, người dân thường gieo vãi lúa nên cần nguồn nước ổn định, bảo đảm tưới nhanh, tiêu kịp thời. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất.
"Số tiền thủy lợi phí và đóng góp thêm của người dân không đủ để HTX nâng cấp các tuyến kênh mương. Chi phí eo hẹp, HTX chỉ có thể cải tạo vá víu nên hiệu quả không cao", ông Hưng nói thêm.
Huyện Ninh Giang có gần 400 km kênh mương hỗ trợ các trạm bơm tưới tiêu. Hiện phần lớn các tuyến bị bồi lắng bùn đất làm giảm khả năng dẫn nước. Mặt khác, hai bên bờ kênh mương đều có vi phạm phát sinh khiến việc quản lý, điều tiết nước gặp khó. Mỗi năm, huyện cần nạo vét, tu bổ từ 80-90 km kênh mương song kinh phí hạn hẹp nên chỉ thực hiện khoảng 10 km với khối lượng từ 18.000-24.000 m3. Khối lượng tiểu thủy lợi giao cho các xã, thị trấn tương đối lớn, khoảng 130 km kênh mương nội đồng, tương đương 60.000 m3. Phần việc này do các địa phương tự cân đối nguồn thực hiện nên kết quả, chất lượng không như mong đợi. Theo lãnh đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện, kênh mương phải được nạo vét, tu bổ thường xuyên thì mới bảo đảm được tưới tiêu. Yêu cầu sản xuất cấp bách nhưng công trình xuống cấp khiến việc điều tiết tưới tiêu bất cập, nhất là với địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn. Thậm chí có những nơi bỏ bê, thiếu quan tâm cải tạo mương xương cá làm dòng chảy ách tắc, không dẫn nước kịp thời. Vì thế có thời điểm trạm bơm phải dừng hoạt động để đợi nước, tưới tiêu chậm trễ.
Cần quan tâm đầu tư
Toàn tỉnh có gần 10.500 km kênh dẫn trạm bơm tưới tiêu và hàng trăm nghìn km kênh dẫn nhánh do cấp huyện, cấp xã quản lý. Những năm qua, tỉnh quan tâm hỗ trợ các địa phương làm thủy lợi đông xuân để nâng cao năng lực dẫn nước của các tuyến kênh. Tuy vậy, do nguồn ngân sách hạn hẹp, tỉnh chỉ hỗ trợ nạo vét, tu bổ một số tuyến kênh chính, cấp bách. Đối với kênh mương do cấp huyện, xã quản lý và sử dụng, tỉnh hỗ trợ một phần, còn địa phương có trách nhiệm đầu tư nâng cấp. Dù quy định rõ ràng song việc tu bổ, cải tạo các tuyến kênh mương này vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng gây khó khăn cho hoạt động thủy lợi. Theo ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), kênh chính quan trọng nhưng tuyến kênh mương nhánh cũng có vai trò không kém vì tác động trực tiếp tới sản xuất của người dân. Lấy ví dụ gần 1 km kênh đầu nguồn của xã đã 5 năm chưa được nạo vét nên người dân ngại cấy máy vì sợ thiếu nước, ông Thường đề nghị nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc này để tránh tình trạng dân bỏ ruộng.
Ông Thường cho hay: "Kênh mương lâu ngày không được tu bổ xuống cấp nghiêm trọng, lòng kênh bồi lắng không dẫn nước được. Việc huy động người dân đóng góp để tu bổ cũng nhiều bất cập. Mặt khác khi có kinh phí thì triển khai thực hiện cũng không dễ dàng bởi vướng mắc về mặt bằng. Do đó, cần phải có giải pháp lâu dài, làm chắp vá tốn kém mà hiệu quả không cao".
Theo ông Lê Văn Điền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, trong các hạng mục thủy lợi thì kênh mương là công trình cần được quan tâm đầu tư để nâng cao hiệu quả tưới tiêu. Thực tế hiện nay, mạng lưới kênh mương của tỉnh, nhất là các tuyến do địa phương quản lý đã xuống cấp, bộc lộ hạn chế, làm giảm khả năng dẫn nước. Các địa phương, đơn vị cần chủ động khắc phục, chú trọng sản xuất phải đi đôi với cải tạo, nâng cấp hạ tầng tưới tiêu, cụ thể là hệ thống kênh mương, không trông chờ vào hỗ trợ từ trên. Các địa phương quan tâm đầu tư dựa trên sản xuất thực tế để tránh lãng phí nguồn lực. Có như vậy mới giải được "bài toán" kênh mương xuống cấp.