Nhiều vấn đề cần làm rõ trong vụ chìm sà lan, tàu kéo ở vùng biển Quảng Ngãi
Vụ việc chìm tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883 nghiêm trọng khiến có thể số người chết, mất tích lên đến 9 người, là những thuyền viên và người lao động đi trên phương tiện. Trong khi 4 thành viên đi trên tàu, sà lan được tìm thấy, thì 5 thuyền viên còn lại vẫn mất tích. Những người mất tích là thuyền trưởng, ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn, thành viên đội tàu khách Sa Kỳ-Lý Sơn dày dạn kinh nghiệm. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong vụ việc nghiêm trọng này.
Gần 2 tuần xảy ra vụ chìm tàu kéo, sà lan, ông Ngô Văn Hớn, sinh năm 1965, vẫn không tin mình mất người bạn thân và 2 người cháu cùng nghề biển. Ông Hớn cho biết, khi chuẩn bị đi chuyến thứ hai để vận chuyển đá từ cảng Kỳ Hà ra đảo Lý Sơn, anh Bùi Minh Trí (thủy thủ tàu kéo LA-06695, hiện đang mất tích) điện thoại đề nghị ông đi vì công ty đang thiếu người.
“Tàu kéo và sà lan có 8, 9 người đi nhiều chuyến”
Chiều ngày 12/4, ông cùng thuyền trưởng Võ Tấn Khương và Bùi Minh Trí đi từ đảo Lý Sơn vào đất liền. Sau đó, cả 3 chú cháu cùng nhau đón xe ra cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam. Đến 17 giờ cùng ngày, ông Hớn cùng ông Khương và Trí có mặt trên tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883.
Khi xuống tàu kéo, nhóm ông Hớn gặp thuyền trưởng Phạm Văn Hiệp, thủy thủ Đặng Minh Phương và các thành viên Đặng Văn Nhung, Đặng Văn Ước và Võ Văn Song (cùng quê ở tỉnh Long An).
“Anh Nhung, Ước, Song ở trên tàu rồi, chúng tôi lên tàu là gặp. Một người là tài công, hai người phụ làm dây, làm đá trên tàu, sà lan. Lúc 5 chiều chúng tôi xuống thì thấy mấy anh em đang chà rửa tàu vì đổ đá bụi bặm lắm. Khi xuất trình sổ, có người kiểm tra, họ trốn qua sà lan vì không có bằng cấp, không có tên trong danh sách. Kiểm tra xong thì họ quay lại tàu cùng xuất bến. Trên tàu tổng là 8 người, trên sà lan có một xe múc và sợi dây nối tàu với sà lan khoảng 80m. Tài công là người lái tàu chứ không phải thuyền trưởng”, ông Hớn khẳng định.
Sau khi đá được đưa lên sà lan thì cảng vụ, biên phòng kiểm tra. Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 12/4, chuyến tàu chở đá thứ hai xuất bến từ cảng Kỳ Hà đi đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Hớn cho biết, khi cùng anh em ở trên tàu chờ xuất bến, ông Nguyễn Tài Thịnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn xuống tàu gặp anh em và sau đó làm các thủ tục để tàu rời cảng. “Lúc chuẩn bị đi ông Thịnh nói với mấy anh em trên tàu là chuẩn bị đưa về một sà lan và tàu kéo nữa, và nhờ Trí tìm thêm 3 người”, ông Hớn nhớ lại.
Nghe tin ba mất trong vụ chìm tàu, sà lan, 2 anh em chị Võ Thị Thịnh đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh trở về đảo Lý Sơn. Những ngày này, mẹ chị đau đớn khi chồng đột ngột mất tích và đến nay vẫn chưa tìm thấy. Gắng gượng cùng anh trai, chị Thịnh và gia đình các thuyền viên tìm kiếm trên biển với mong muốn đưa người thân về nhà.
Chị Thịnh cho biết, ba chị là ông Võ Tấn Khương nghỉ nghề biển mấy năm qua. Khi có người thuê đi tàu chuyến nên ông đi cùng anh em trên đảo.
“Ba tôi đi mấy chuyến về hay kể cho mẹ tôi nghe. Lúc đi trên tàu lần nào cũng gọi điện thoại, gọi video cho mẹ tôi thấy. Ba tôi nói tàu kéo và sà lan thường đi 8 người, có khi 9 người chứ không chỉ 5 người như trong danh sách. Tại sao đăng ký 5 người mà trên tàu lại 8, 9 người đi nhiều chuyến cùng nhau”, chị Thịnh chất vấn.
Anh N.C, là người thân của anh Bùi Minh Trí cho biết “Trí điện thoại bảo tôi đi mấy lần nhưng tôi bận. Sau khi đi chuyến thứ 3, cháu nó bảo hư máy ở Kỳ Hà phải chờ sửa chữa. Chờ bên công ty sửa xong, xuống hàng thì đi. Hôm xuất bến tôi cũng điện thoại cho cháu hỏi thăm, nó nói tàu 8, 9 người”.
Anh Bùi Văn Sơn, cha thủy thủ Bùi Minh Trí khẳng định: “Trước khi đi 1 tuần, con tôi nói công ty thông báo đang sửa chữa máy nên chưa đi. Sau đó thì công ty điện thoại và cháu đi cùng mấy anh em”.
Vì sao tàu kéo bị chìm?
Theo Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa của Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa của Chi Cục đăng kiểm Long An, tàu kéo LA-06695 thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Minh Linh, có địa chỉ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Tàu kéo có chiều dài thiết kế 16,16m, chiều dài lớn nhất 18,2m; chiều rộng thiết kế 5,24m; chiều rộng lớn nhất 5,7m; vật liệu vỏ thép; công suất máy 350CV; trọng tải, số lượng người được phép chở, sức kéo, đẩy là 9,35 tấn. Các giấy chứng nhận có thời hạn đến tháng 12/2024.
Tàu kéo có chiều dài thiết kế 16,16m, chiều dài lớn nhất 18,2m; chiều rộng thiết kế 5,24m; chiều rộng lớn nhất 5,7m; vật liệu vỏ thép; công suất máy 350CV; trọng tải, số lượng người được phép chở, sức kéo, đẩy là 9,35 tấn. Các giấy chứng nhận có thời hạn đến tháng 12/2024.
Đối với sà lan boong LA-06883, chứng nhận của ngành chức năng tỉnh Long An thể hiện chiều dài thiết kế 47m, chiều dài lớn nhất 47,25m; chiều rộng thiết kế 12,9m, chiều rộng lớn nhất 13,15m; vật liệu vỏ thép; trọng tải, số lượng người được phép chở, sức kéo, đẩy là 1.366,49 tấn và có hiệu lực đến tháng 2/2025.
Anh Nguyễn Hùng Huy (sinh năm 1983) và anh Lê Quang Thuận (sinh năm 1996), cùng ở huyện Lý Sơn lặn xuống đáy biển, nơi tàu kéo LA-06695 bị chìm.
Nhiều lần lặn ở độ sâu gần 50m để tìm anh em thuyền viên, anh Huy cho biết tàu kéo nằm dưới đáy biển như đang neo ở trên bờ. Phần ca-bin trên bị tốc vòm mái, chỉ còn trơ vô-lăng. “Tàu nằm như đang neo trên bờ vậy, xung quanh không có đá, bánh lái, cánh quạt hơi méo. Mình xuống nhiều lần tìm kỹ nhưng không có người trong đó”, anh Huy chia sẻ.
Anh Bùi Văn Sơn cho biết, khi khoanh vùng tìm kiếm con trai, anh phát hiện vết dầu loang trên mặt biển. Qua hệ thống định vị anh phát hiện bên dưới đáy biển có nhiều đá. “Dưới đống đá nổi lên bọng dầu thì có thể xe múc bị vùi, dầu máy chảy ra. Chúng tôi cũng tìm thấy vết dầu loang cách đống đá gần 2 hải lý, đó là nơi tàu kéo bị chìm”, anh Sơn nói.
Ông Phạm V.H, ở huyện đảo Lý Sơn, có hơn 30 năm đi khơi xa bám biển ở các vùng đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Nhiều ngày sau vụ chìm sà lan, tàu kéo xảy ra, ông H. vẫn không hiểu vì sao tàu kéo vỏ thép; trọng tải được phép chở, sức kéo, đẩy 9,35 tấn có thể chìm dưới đáy biển. Từ kinh nghiệm mấy chục năm đi biển, những ngư dân dày dạn kinh nghiệm trên đảo Lý Sơn và ông H. cùng tìm hiểu nguyên nhân, lý giải vấn đề. “Tàu gỗ có thể chìm chứ tàu sắt, thép khó chìm lắm. Phải có tác động mạnh, tức thời, tàu sắt mới chìm khiến các thuyền viên không trở tay kịp như vậy”.
Theo ông H. và một số ngư dân ở đảo Lý Sơn, có thể trong quá trình tàu LA-06695 kéo sà lan LA-06883 đi trên biển, gặp sóng gió nam khiến xe múc trên sà lan rơi xuống làm đứt dây kéo tàu LA-06695 nối với sà lan LA-06883. Và sau đó đá, xe cẩu cùng nhấn chìm tàu kéo và các thuyền viên.
Chúng tôi nghĩ mãi, không thể tự nhiên mà tàu sắt chìm được. Nếu có chuyện gì thì tàu thép cách xa sà lan 80m làm sao mà chìm cho dù sà lan có bị nghiêng. Phải có tác động tàu sắt mới chìm như vậy.
Ông Đặng T. băn khoăn
Có kinh nghiệm hơn 30 năm chuyên vận hành tàu kéo, sà lan, vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng ở các vùng biển miền trung nói chung và vùng biển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ông V.T cho rằng không dễ để tàu kéo bị chìm dưới đáy biển.
Theo ông T., đảo Lý Sơn hiện đang mùa gió nam và sóng nam, tàu và sà lan đi theo định vị mà không đi theo kinh nghiệm sẽ gặp nhiều trở ngại.
“Khi kéo sà lan, tàu kéo sẽ đi trước thì khi sà lan lật không ảnh hưởng đến tàu kéo, vì khoảng cách dây từ 80-100m. Có sức nặng nào đó mới làm chìm tàu thép. Kinh nghiệm của tôi thì có khả năng sà lan có vấn đề gì đó, tàu kéo quay lại áp sát bên hông sà lan để anh em thuyền viên xử lý sự cố. Gió nam và sóng làm sà lan nghiêng đổ đá dìm lên tàu kéo”, ông T. đưa ra giả thuyết.
Sau gần 2 tuần xảy ra vụ chìm tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883kéo, sà lan khiến 9 người chết, mất tích, ngành chức năng vẫn đang điều tra, làm rõ vụ việc.
“Mong muốn lớn nhất của gia đình chúng tôi là điều tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm của những đơn vị liên quan. Người thân chúng tôi đi trên tàu đúng người, đúng việc, được cơ quan chức năng kiểm tra, xác nhận. 9 người tử vong, mất tích quá đau thương cho các gia đình chúng tôi”, đại diện gia đình các thuyền viên yêu cầu.
Trước đó, Báo Nhân Dân đã đưa tin, khoảng 4 giờ ngày 24/4, tàu kéo LA-06695 kéo sà lan LA-06883 thuộc Công ty TNHH Minh Linh, hành trình từ cảng Kỳ Hà (tỉnh Quảng Nam) đi huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tàu và sà lan vận chuyển đá thi công kè chắn sóng cảng Bến Đình, huyện Lý Sơn. Khi tàu, sà lan cách đảo Lý Sơn khoảng 3 hải lý thì bị chìm, khiến 9 người chết, mất tích.