Nhiều vấn đề 'nóng' liên quan đến việc thoát nước và xử lý nước thải

Liên quan đến vấn đề xả thải và xử lý nước thải tránh gây ô nhiễm cho các sông hồ trên toàn thành phố, ông Võ Tiên Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay, Hà Nội đang tách nước thải, không để nước thải vào sông Tô Lịch. Tiến độ khoảng 4 năm nữa là xong...

Chiều 13-8, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, đại diện Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã thông tin vè công tác đảm bảo thoát nước mùa mưa năm 2019 cũng như việc xử lý hệ thống nước thải ra các sông trên địa bàn Hà Nội.

Báo cáo tại buổi giao ban, ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, năm 2017, thành phố đã xóa bỏ được 2/18 điểm ngâp (đường Yên Nghĩa, đường Cổ Linh) đã tồn tại nhiều năm.

Chỉ ra nguyên nhân của hiện trạng ngập úng, ông Thắng cho rằng, hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km, còn lại các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ theo Quy hoạch được phê duyệt nên tồn tại úng ngập khi xảy ra mưa lũ lớn.

Ngoài ra, các trạm bơm tiêu chính và công trình đầu mối kèm theo như trạm bơm Lien Mạc, trạm bơm Đông Mỹ, trạm bơm Gia Thượng... đã lắp đặt hoàn thiện nhưng chưa phát huy hiệu quả do hệ thống kênh xả, kênh dẫn chưa được đầu tư đồng bộ...

Trước con số mà lãnh đạo Sở Xây dựng đưa ra, nhiều phóng viên thắc mắc: với việc đầu tư rất nhiều vào việc chống ngập úng, nhưng mỗi năm Hà Nội chỉ xóa được 2 điểm ngập úng, hiện còn 16 điểm nữa, tức là Hà Nội sẽ còn nguy cơ ngập lụt trong 6 năm tới, đấy là chưa kể các điểm phát sinh. Như vậy việc đầu tư cho việc cải tạo hệ thống cấp thoát nước nhiều năm qua liệu có hiệu quả hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Hoàng Cao Thắng cho rằng, thời gian tới đối với lượng mưa lớn vượt quá hệ thống xử lý thì chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án lên thành phố. Nhìn lại đợt mưa vừa rồi, phía Tây ngập nhiều do đô thị mới phát triển. Nên tới đây những chỗ này sẽ đầu tư thêm trạm bơm, đồng thời Sở Xây dựng sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát hệ thống kênh mương, để sớm khắc phục bất cập trong thoát nước.

Liên quan đến vấn đề xả thải và xử lý nước thải tránh gây ô nhiễm cho các sông hồ trên toàn thành phố, ông Võ Tiên Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay, Hà Nội đang tách nước thải, không để nước thải vào sông Tô Lịch. Tiến độ khoảng 4 năm nữa là xong.

Còn về các thí điểm xử lý ô nhiễm ở sông hồ, ông Hùng chia sẻ: Việc xử lý nước hồ ô nhiễm bằng chất xử lý nước Redoxy-3C đã công bố là cho chất lượng tốt, đạt chỉ tiêu. Còn công nghệ thí điểm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Nhật (JVE) thì chưa biết chất lượng và giá thành thế nào, phải chờ đến tháng 9 họ công bố mới rõ.

Khu vực thí điểm xử lý nước sông Tô Lịch.

Khu vực thí điểm xử lý nước sông Tô Lịch.

Cũng tại cuộc họp, trả lời các câu hỏi liên quan đến kết quả thanh tra việc sử dụng chế phẩm độc quyền xử lý nước Redoxy-3C, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện nay đã hết thời gian thanh tra.

"Theo tôi được biết, hiện TP đã gia hạn thời gian thanh tra việc sử dụng chế phẩm xử lý nước Redoxy-3C. Trong thời gian sớm nhất, TP sẽ kết thúc việc thanh tra và công bố kết quả" - đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội nói.

Ông Hoàng Cao Thắng cho hay, Sở Xây dựng cũng là một đối tượng trong lần thanh tra này. Trong thời gian qua, Sở Xây dựng cũng đã phối hợp, cung cấp các tài liệu liên quan đến việc thanh tra đoàn thanh tra. "Tôi được biết, hiện đoàn thanh tra thành phố đang có một số vướng mắc nên chưa đủ cơ sở để kết luận thanh tra. Việc này phải đúng quy trình thì mới có kết kết luận được" - ông Thắng khẳng định.

Cũng tại buổi thông tin, nhiều phóng viên, báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc chế phẩm Redoxy-3C như: Được mua ở đâu, giá tiền bao nhiêu... Tuy nhiên đại diện Công ty Thoát nước không thông tin thêm.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nhieu-van-de-nong-lien-quan-den-viec-thoat-nuoc-va-xu-ly-nuoc-thai-557266/