Nhiều vấn đề về quy hoạch, cấp phép ở loạt dự án được kiểm toán nhà nước phát hiện
Mới đây, báo cáo về chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 với Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt các vấn đề.
Cụ thể theo Kiểm toán Nhà nước, một số địa phương đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng còn chưa bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định như tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
TP. HCM bị chỉ rõ việc không bố trí diện tích đất dành cho nhà ở xã hội theo quy định tại Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 dự án Sài Gòn Sports City.
TP. HCM cũng bị chỉ rõ việc không bố trí diện tích đất dành cho nhà ở xã hội theo quy định tại Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B; Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 dự án Sài Gòn Sports City; Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư phường Tân Định, quận 1; Đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 Khu dân cư phía Bắc Đại lộ Võ Văn Kiệt quận Bình Tân.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tại địa phương này xảy ra tình trạng một số giấy phép xây dựng được cấp chưa đáp ứng điều kiện cấp phép, cấp phép có tầng hầm, hoặc có số lượng tầng hầm chưa phù hợp quy hoạch được duyệt, cấp phép mật độ xây dựng lớn hơn mật độ xây dựng tối đa theo quy hoạch được duyệt; có dự án đã có quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm xác định tiền sử dụng đất.
Thậm chí có dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng làm phát sinh nghĩa vụ tài chính nhưng chưa xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung ( 4 dự án: Dự án Khu thương mại dịch và căn hộ số 29B đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Quận 1; Dự án Khu dân cư (La Casa) tại phường Phú Thuận, Quận 7; Khu căn hộ thương mại dịch vụ Trước Sông.
Ngoài ra cơ quan kiểm toán cũng cho biết việc tỉnh Khánh Hòa phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 trên phần diện tích đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt tại lô đất BB2 thuộc khu đô thị An Viên; Dự án Công viên bến du thuyền Quốc tế; Dự án Khu du lịch dịch vụ thể thao Hồ Tiên (khu A); Dự án Khu du lịch đảo Hòn Tằm, thành phố Nha Trang.
Trước đó, theo kế hoạch vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội, trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán nhiều dự án đầu tư lớn, được dư luận quan tâm như cao tốc Bắc - Nam phía đông, sân bay Long Thành, dự án chống ngập do triều tại khu vực TP.HCM.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình dự án, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có một số dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020. Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Kiểm toán các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, dự án tuyến đường ven biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán một số dự án đầu tư được dư luận quan tâm trong thời gian qua như dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.
Một số dự án nhà máy điện cũng nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước, đó là các nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng, thủy điện tích năng Bắc Ái, nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1; các dự án xây dựng đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa, Mỹ Tho - Đức Hòa, nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng…
Trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước cũng dự kiến thực hiện 17 cuộc kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng.
Có 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được kiểm toán về vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nuớc năm 2021. Trong đó, có những cái tên đáng chú ý như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp ximăng Việt Nam…
Các ngân hàng lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam… cũng thuộc diện được kiểm toán trong năm 2022.
Về lĩnh vực kiểm toán chuyên đề, trong năm tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó có các cuộc kiểm toán đáng chú ý như: kiểm toán việc quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên - môi trường, các tập đoàn, tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.