Nhiều vi phạm đất đai, xây dựng ở Củ Chi, Thủ Đức
Thanh tra TP HCM chỉ rõ có sự chậm trễ trong xử lý các công trình vi phạm, thể hiện sự buông lỏng quản lý của địa phương trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng
Thanh tra TP HCM vừa có thông báo kết luận về thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi (từ năm 2016 đến ngày 30-11-2019), quận Thủ Đức (giai đoạn 2016-2019). Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều vi phạm của huyện Củ Chi, quận Thủ Đức trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng cần chấn chỉnh, khắc phục ngay.
Tự ý điều chỉnh chỉ tiêu
Theo kết luận của Thanh tra TP, khi lập kế hoạch sử dụng đất năm 2016, 2017 và 2018, UBND huyện Củ Chi chưa khảo sát nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. UBND huyện tự ý điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở từ xã này sang xã khác nhưng chưa thông qua HĐND huyện trước khi trình UBND TP phê duyệt là không đúng quy định. "Đây là hành vi bị nghiêm cấm do vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được nêu tại Luật Đất đai năm 2013" - Thanh tra TP nêu rõ. Huyện Củ Chi cũng có vi phạm về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi giải quyết chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt đối với 151 trường hợp và 70 trường hợp cho chuyển mục đích sử dụng đất trong khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.
Ngoài ra, huyện Củ Chi còn vi phạm về việc tách thửa đất khi cho phép tách thửa đất ở không phù hợp quy hoạch được duyệt, không đúng quy định đối với 23/51 trường hợp không đủ điều kiện với diện tích 22,8662 ha/46,6231 ha. Cho phép tách thửa đất ở không thực hiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đối với 18 trường hợp… Trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND huyện Củ Chi, phó chủ tịch UBND huyện phụ trách địa chính - xây dựng, trách nhiệm trực tiếp thuộc về lãnh đạo các phòng, ban liên quan.
Trong khi đó, ở Thủ Đức, năm 2016, 2017 còn nhiều trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đai từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (đất ở) nhưng không đăng ký nhu cầu xin chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng quy định. Việc xây dựng chi tiết kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân qua các năm không bảo đảm cơ sở thực hiện; còn trường hợp thực hiện trước thời điểm UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Buông lỏng quản lý
Về quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, từ năm 2016-2019, Củ Chi có 643 trường hợp xây dựng không phép và 46 trường hợp xây dựng sai phép cần phải xử lý. Đến thời điểm thanh tra, còn 21 trường hợp xây dựng không phép và 7 trường hợp sai phép chưa xử lý dứt điểm; kiểm tra thực tế 102/16.779 công trình được cấp phép xây dựng nhưng đưa vào sử dụng sai mục đích thành nhà xưởng, kho hoặc nhà trọ cho thuê, một số công trình cấp phép nhà ở riêng lẻ nhưng thiết kế dạng nhà xưởng, kho, nhà trọ cho thuê hoặc cho trổ nhiều cửa đi, cầu thang hiện đã thay đổi công năng sử dụng.
Bên cạnh đó, huyện Củ Chi vẫn còn vi phạm trật tự xây dựng, công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời; không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế kịp thời, dẫn đến công trình vi phạm hoàn thành và đưa vào sử dụng, gây khó khăn cho công tác xử lý về sau. Điển hình như vụ bà Nguyễn Thị Chung Ly tự xây dựng không phép thêm 14 hạng mục với tổng diện tích 10.713 m2, quá trình xây dựng kéo dài liên tục nhưng UBND xã Bình Mỹ, UBND huyện Củ Chi, Đội Thanh tra địa bàn huyện Củ Chi buông lỏng quản lý, chậm xử lý dẫn đến công trình vi phạm đưa vào sử dụng, hiện có 20 đơn vị đang thuê hoạt động. Hay như trường hợp ông Thái Tăng Phước xây dựng công trình sai phép liên tục trong nhiều năm, từ năm 2009 cho đến nay (trên 10 năm) nhưng đến năm 2018, UBND xã Nhuận Đức, UBND huyện Củ Chi, Đội Thanh tra địa bàn huyện Củ Chi thuộc Thanh tra Sở Xây dựng mới lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. "Như vậy có sự chậm trễ trong xử lý các công trình vi phạm, thể hiện sự buông lỏng quản lý, dẫn đến công trình vi phạm đưa vào sử dụng" - Thanh tra TP nhấn mạnh. Để xảy ra những vi phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND huyện Củ Chi, phó chủ tịch UBND huyện phụ trách địa chính - xây dựng; trách nhiệm trực tiếp thuộc về lãnh đạo các phòng, ban và các đơn vị, cá nhân có liên quan tại thời kỳ phát sinh vụ việc.
Ở quận Thủ Đức, kết luận của Thanh tra TP cho thấy trong xử lý vi phạm không phép, quận không lập biên bản vi phạm hành chính, không bảo đảm thời gian và trình tự, thủ tục theo quy định. Từ năm 2016-2017, số trường hợp xây dựng không phép có giảm. Tuy nhiên, số vụ xây dựng không phép năm 2018 bắt đầu tăng, đến năm 2019 lại tăng cao (chiếm hơn 50% tổng số vụ của 3 năm). Trách nhiệm này thuộc về Phòng Quản lý đô thị và phó chủ tịch UBND quận phụ trách đô thị; chủ tịch UBND quận có trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu. Ngoài ra, sau khi triển khai Chỉ thị 23 và Kế hoạch 3333, từ ngày 1-8 đến 31-12-2019, trên địa bàn quận Thủ Đức phát sinh 104 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (0,679 trường hợp/ngày), giảm so với thời điểm trước khi triển khai từ ngày 1-1 đến 30-7-2019 (1,2 trường hợp/ngày). Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm chưa khẩn trương, triệt để, đến nay vẫn còn số vụ việc vi phạm bị xử lý chưa thực hiện xong. Trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND quận Thủ Đức và Thanh tra Sở Xây dựng.
Chuyển cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu cố ý làm trái
Liên quan các vi phạm về đất đai tại Củ Chi, UBND TP HCM đã yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có thiếu sót, vi phạm và khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm; tập trung xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
UBND TP cũng giao Giám đốc Sở Xây dựng thực hiện kiểm tra, thanh tra về quản lý trật tự xây dựng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Củ Chi, trong đó tập trung xử lý các sai phạm thuộc xã Bình Mỹ (vụ bà Nguyễn Thị Chung Ly), xã Nhuận Đức (vụ ông Thái Tăng Phước)... Trên cơ sở kết luận của Sở Xây dựng đối với các vụ việc nêu trên, trường hợp qua kiểm tra xác định có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật của các cá nhân, tổ chức thuộc UBND huyện Củ Chi và có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm Bộ Luật Hình sự của các cá nhân, tổ chức thì báo cáo UBND TP để chuyển Cơ quan CSĐT - Công an TP điều tra.