Nhiều việc làm chờ người lao động

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tại nhiều nơi, hàng loạt người lao động (NLĐ) bị chủ sử dụng lao động sa thải do doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng. Trong bối cảnh ấy vẫn có nhiều DN tại TP Hồ Chí Minh tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn…

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tại nhiều nơi, hàng loạt người lao động (NLĐ) bị chủ sử dụng lao động sa thải do doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng. Trong bối cảnh ấy vẫn có nhiều DN tại TP Hồ Chí Minh tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn…

Dù mất việc làm tại Công ty giày da Huê Phong (quận Gò Vấp) từ tháng 5 vừa qua do DN này thiếu đơn hàng, nhưng chị Lê Thị Huệ (22 tuổi, quê Trà Vinh) vẫn khá kén chọn khi tìm việc mới. "Gần chỗ làm cũ có nhiều đơn vị rao tuyển lao động nhưng đa số là may mặc, trong khi em chỉ muốn làm việc ở công ty liên quan đến giày da. Có công ty làm việc gần như suốt tuần nhưng lương thấp, công việc nặng nhọc…", Huệ cho biết.

Về phía người sử dụng lao động, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Phan Minh Thông cho biết: "Chúng tôi có nhu cầu tuyển nhiều nhân viên ở các vị trí như công nhân, KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm), kinh doanh, kế toán… nhưng khó quá. Chúng tôi cũng sẵn sàng đào tạo lại với nhân viên mới, bố trí công việc phù hợp với nhân viên có hoàn cảnh khó khăn… nhưng vẫn không thể tuyển đủ số lượng theo nhu cầu".

Theo ông Thông, nguyên nhân NLÐ dù thất nghiệp nhưng vẫn kén việc có rất nhiều, trong đó phần lớn là họ có sự so sánh mức lương giữa công ty mới và công ty cũ, nếu thấy thấp hơn liền từ chối. Thêm lý do nữa là họ vẫn còn tư tưởng "thiếu gì việc làm mà phải lo!".

Là đơn vị kết nối, giới thiệu việc làm cho NLÐ và DN có nhu cầu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) thành phố Lê Thị Kiều Phượng thừa nhận thực trạng rất khó kết nối lao động thất nghiệp trong giai đoạn này. Khi công nhân bị công ty sa thải đều được chăm lo rất tốt về mặt phúc lợi. Ngoài chế độ trợ cấp thất nghiệp, công nhân còn được công ty chi trả lương thôi việc một khoản kha khá. Có khoản tiền trong tay, nhiều người nghĩ đến việc "xả hơi" vài tháng, chờ hết dịch mới tìm việc.

Từng trực tiếp gặp gỡ công nhân các công ty như Huê Phong, Pouyuen…, những DN đã sa thải hàng nghìn lao động trong thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho người có nhu cầu tìm việc nhưng hầu như không kết nối được bao nhiêu. "Tìm việc làm trong thời điểm này còn dễ dàng, nếu để hết dịch Covid-19, lúc đó nhiều người đổ xô xin việc, tỷ lệ sàng lọc lớn thì cơ hội việc làm càng thu hẹp. Chưa kể nếu không có nhiều DN mới thành lập thì NLÐ muốn có việc làm còn khó khăn hơn", bà Kiều Phượng nhận định.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết, thị trường lao động TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong những tháng đầu năm 2020, các DN tập trung triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, do đó nhu cầu nhân lực tập trung nhiều ở việc làm bán thời gian, lao động mùa vụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng lao động từ giữa tháng 2 trở đi có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019; trong sáu tháng đầu năm 2020, nhu cầu nhân lực giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Tháng 7 vừa qua, 70 DN đã tham gia chương trình "Tiếp sức người lao động - Sàn giao dịch việc làm" do Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức, 15.000 vị trí việc làm chờ người có nhu cầu. Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TP Hồ Chí Minh (trực thuộc Thành đoàn) Nguyễn Văn Sang chia sẻ, Trung tâm đang liên hệ với các quận đoàn, huyện đoàn lên danh sách những thanh niên, người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm và nguyện vọng của họ; sau đó, sẽ kết nối với từng công ty, DN đang cần để giới thiệu cho NLÐ theo đúng lĩnh vực, vị trí mà họ đang cần.

Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên TP Hồ Chí Minh Lê Xuân Dũng cũng cho biết, đang tiếp nhận hơn 2.000 việc làm từ hơn 300 đơn vị, DN với nhiều vị trí khác nhau dành cho sinh viên. Có rất nhiều công việc bán thời gian cần sinh viên vào làm ngay với mức thu nhập dao động từ 22.000 đến 50.000 đồng/giờ. Ngoài việc làm bán thời gian, trung tâm còn có nhiều công việc cố định như: Nhân viên lễ tân, nhân viên kế toán, lập trình viên, nhân viên kỹ thuật... với mức lương từ bốn đến sáu triệu đồng/tháng…

Theo Sở LÐ-TB và XH thành phố, dự báo tới tháng 9 sẽ có khoảng 120.000 lao động của khoảng 4.000 DN trên địa bàn thành phố tiếp tục bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, chủ yếu là lao động thuộc các ngành du lịch, lưu trú, vận tải, ngành công nghiệp xây dựng, dệt may, da giày do các công ty rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất…

Giám đốc Sở LÐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, đối với những người có nhu cầu đào tạo nghề, Sở sẵn sàng hỗ trợ đưa vào học ở hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nghề để có thể chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển công việc. Trong quá trình đào tạo nghề, NLÐ sẽ được tạo điều kiện vay vốn từ các nguồn quỹ quốc gia về việc làm, tổ chức tài chính của Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) thuộc Liên đoàn Lao động thành phố.

Bài và ảnh: Phương Vy

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/nhieu-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-615468/