Nhiều việc phải làm khi sắp xếp đơn vị hành chính

Cần đánh giá kỹ việc sắp xếp các đơn vị hành chính thời gian qua, trong đó chú ý bảo đảm tiết kiệm ngân sách nhà nước; tính toán việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư, tránh xảy ra tình trạng không sử dụng trong nhiều tháng, nhiều năm, gây lãng phí. Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang vừa qua.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương lớn, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy. Để thực hiện được mục tiêu quan trọng này, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

Thực hiện yêu cầu nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Trong phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vừa tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9.2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp năm 2025.

Thời gian qua, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Trên cơ sở đó, các địa phương đã nỗ lực, tích cực vào cuộc để thực hiện. Nhưng như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định trước Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Thực sự đây là một việc rất khó, một việc hết sức phức tạp”.

Bộ Nội vụ là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Có lẽ, là người trong cuộc nên Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thấu hiểu được những khó khăn trong quá trình thực hiện. Bởi thực tế cho thấy, sắp xếp tổ chức bộ máy nói chung, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói riêng là đụng đến con người. Sắp xếp bộ máy đơn vị hành chính như thế nào, tinh giản biên chế ra sao, “ai đi, ai ở” để bảo đảm công bằng, thấu tình đạt lý cũng là một bài toán khó. Nếu không được tính toán cẩn trọng, nếu không bảo đảm dân chủ, khách quan, và quyết tâm thực hiện sẽ không đạt được đích đến của việc sắp xếp đơn vị hành chính đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Cũng bởi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là “việc rất khó, một việc hết sức phức tạp”, dù mục tiêu đặt ra phấn đấu đến tháng 9 này cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng cho đến nay, mới có 32/54 địa phương đã có hồ sơ về việc sắp xếp. Tại phiên họp vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 3 tỉnh: Nam Định, Tuyên Quang và Sóc Trăng. Điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của người đứng đầu và sự chia sẻ, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân 3 địa phương trong thực hiện nhiệm vụ vốn khó khăn, phức tạp này. Đây cũng là "gương sáng" để các địa phương khác học hỏi trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, đây vẫn là con số còn rất khiêm tốt so với số địa phương cần phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới.

Thời gian còn lại không nhiều, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là sự vào cuộc tích cực hơn nữa của địa phương để thực hiện việc sắp xếp.

Nỗ lực, đồng tốc, đồng lực để thực hiện về đích là cần thiết, nhưng quá trình sắp xếp cần có sự khảo sát cẩn trọng để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và trong nhân dân. Bởi sắp xếp không đơn thuần là cắt giảm cơ học số lượng đơn vị hành chính mà phải gắn liền với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hiệu quả, hoạt động của bộ máy. Giải quyết thỏa đáng được quyền lợi cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Cùng với đó, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp một cách hiệu quả, tránh gây lãng phí như thời gian qua.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nhieu-viec-phai-lam-khi-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-i382146/