Nhiều vụ án nổi tiếng bị bóp méo, giả nhiều hơn thật

Vì chạy theo lợi nhuận, những nội dung về tội phạm bị khai thác triệt để, chuyển thành tiểu thuyết, phim ảnh và cả sách nấu ăn bất chấp hậu quả.

Sarah Weinman, nhà văn chuyên về mảng tội phạm, chia sẻ bà đã phát hiện ra rất nhiều chi tiết bị làm sai trong các tác phẩm ăn khách gần đây, theo NYT.

Trong bộ phim “Boston Strangler”, Weinman phát hiện ra không chỉ có các chi tiết bị làm quá mà đến cả số phận của nhân vật cũng sai sự thật. Một tù nhân có tên George Nassar được nói rằng vẫn đang bị giam giữ trong tù trong khi trên thực tế, người này đã qua đời vào năm 2018.

Là một người tiếp xúc nhiều với chủ đề này, bà khẳng định: “Tôi có thể nhận ra được những điều sai lệch nhưng hầu hết mọi người sẽ khó mà biết được. Những lỗi như trong “Boston Strangler” như lời cảnh báo về tính chân thực của những câu chuyện tương tự, nhưng đây mới chỉ là một phần của xu hướng đáng lo ngại hơn”.

 Sự thật bị gạt sang một bên vì lợi nhuận trong nhiều tác phẩm dòng phim tội phạm. Ảnh: NYT.

Sự thật bị gạt sang một bên vì lợi nhuận trong nhiều tác phẩm dòng phim tội phạm. Ảnh: NYT.

Giả nhiều hơn thật

Theo Weinman mối quan hệ giữa tội phạm và sự thật luôn không ổn định. Ngay từ một thế kỷ trước, những câu chuyện về tội phạm đã thường xuyên bị những tờ báo lá cải thổi phồng, thậm chí lời bịa đặt còn nhiều hơn sự thật.

Hay như Truman Capote, nhà văn được xem như người phát minh ra thể loại tội phạm hiện đại với tác phẩm “In Cold Blood”. Việc nhiều chi tiết trong cuốn sách bị bịa đặt đã trở thành động lực thúc đẩy trí tưởng tượng của các tác giả trong thể loại này.

“Tác phẩm này thực sự đã thành công trong việc biến việc nói về tội ác thành một thể loại thương mại thú vị nhưng cũng đồng thời góp phần phá hủy nó”, nhà báo mảng tội phạm Jack Olsen đưa ra nhận xét về cuốn sách của Capote.

 Người viết có thể phải đánh đổi nhiều để có thể lấy được thông tin từ tội phạm. Ảnh: The Atlantis.

Người viết có thể phải đánh đổi nhiều để có thể lấy được thông tin từ tội phạm. Ảnh: The Atlantis.

Không chỉ tính chân thực, những người hoạt động trong lĩnh vực này còn đối mặt với những thách thức lớn khác.

Cuốn sách nổi tiếng “The Journalist and the Murderer” (tạm dịch: Nhà báo và kẻ giết người) của Janet Malcolm đã phần nào phơi bày những phát hiện về những tình huống khó xử, khi phải đánh đổi những chuẩn mực đạo đức để giành được lòng tin của đối tượng.

Điều này đặc biệt khó khăn nếu câu chuyện cần khai thác là một vụ tra tấn, thảm kịch gây chấn thương tâm lý.

Malcolm viết: “Để có thể đào sâu tình tiết, mối quan hệ nhà văn và chủ thể câu chuyện thường sẽ tồn tại bằng một loại mục đích mơ hồ và mờ mịt, nếu không muốn nói là hoàn toàn bí mật”.

Đánh đổi vì lợi nhuận

Mặc dù có rất nhiều rủi ro đã được chứng minh trong lịch sử, những câu chuyện về các vụ phạm tội vẫn tiếp tục bị lạm dụng và bóp méo. Dưới áp lực của thị trường và thị hiếu khán giả, sự thật dần không còn được coi trọng nữa dù rất nhiều phim tài liệu, phim tài liệu, podcast và phim ảnh được quảng cáo là “dựa trên các sự kiện có thật”.

Những sai sót cũng ngày càng đa dạng và khó kiểm soát. Trong loạt phim tài liệu bom tấn năm 2015 của HBO “The Jinx”, cái kết vẫn luôn được khen ngợi là gây sốc đã bị lộ ra chỉ là sản phẩm của quá trình biên tập. Thời gian trong phim đã bị kéo dài hơn so với thực tế để tạo ấn tượng.

 Kịch tính hóa những tình tiết giật gân trở thành công thức của nhiều nhà làm phim về tội phạm. Ảnh: BBC.

Kịch tính hóa những tình tiết giật gân trở thành công thức của nhiều nhà làm phim về tội phạm. Ảnh: BBC.

“Making a Murderer”, một loạt phim được Netflix ra mắt cùng năm đó, đã tạo nên sự phẫn nộ trong công chúng về một bản án bất công. Nhưng sau đó, chương trình bị phát hiện đã cố tình bỏ qua bằng chứng quan trọng của công tố viên góp phần đi đến kết luận vụ án.

Để đạt được hiệu quả mong muốn, nhiều tác phẩm không chỉ làm quá sự thật mà còn lợi dụng các nhân vật liên quan trong câu chuyện.

Bộ phim “Dahmer” trên Netflix đã kể lại một câu chuyện có thật theo một hướng hoàn toàn khác, mặc dù vướng phải phản đối của các gia đình nạn nhân. Đối với những người này, bộ phim khiến cho họ thấy mình như phải nhận sự chấn thương tâm lý thêm hết lần này tới lần khác.

Hệ quả kéo dài

Chính cách tiếp cận cẩu thả qua những tác phẩm giả mạo này đã gây nên những hậu quả lớn trong đời thực.

Vụ việc Richard Walter, chuyên gia lập hồ sơ tội phạm, với nhiều lời khai dẫn quyết định trong các bản án bị phát hiện là một kẻ lừa đảo đã gây nên không ít lo ngại.

Trong nhiều thập kỷ, người này đã giả mạo lời khai và che giấu thành công khiến không ít người bị kết án oan. Không chỉ vậy, Walter còn trở thành anh hùng, được đề cao trong những cuốn sách ghi lại chiến công mà ít ai để ý tới việc xác thực những lời nói đó.

 Nhiều người xem vẫn ủng hộ dù biết kịch bản sai sự thật. Ảnh: The Boston Globe.

Nhiều người xem vẫn ủng hộ dù biết kịch bản sai sự thật. Ảnh: The Boston Globe.

Dù vậy, phần lớn khán giả vẫn chấp nhận, thậm chí mong đợi thêm những tác phẩm giải trí kịch tính tương tự, ngay cả khi cốt truyện là dối trá. Điều này khiến cho những câu chuyện về bị kịch trở nên đắt khách, hay hơn thế là một hình thức sở hữu trí tuệ được làm và bán lại.

Dần dần, một chu kỳ quen thuộc được hình thành. Một vụ án hình sự sau khi được viết thành sách sẽ có thêm podcast rồi một bộ phim tài liệu theo sau là một bộ phim dài tập với kịch bản lấy cảm hứng và tiếp diễn với nhiều kịch bản phim khác được làm theo kiểu giật gân hơn.

Không dừng lại ở đó, những tác phẩm kì lạ như “True crime cookbooks” (tạm dịch: Sách dạy nấu ăn của tội phạm) đã xuất hiện. Trong khi tội ác và nỗi đau của các nạn nhân vẫn còn đó, liệu những nội dung như vậy có ý nghĩa gì?

Chính việc lợi dụng tội ác để kiếm tiền bất chấp sự thật và cảm xúc của người trong cuộc cũng có thể bị coi là tội ác.

Lại Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-vu-an-noi-tieng-bi-bop-meo-gia-nhieu-hon-that-post1423876.html