Nhiều 'vùng trắng' đăng kiểm phương tiện thủy
Hiện lực lượng đăng kiểm thủy ở nhiều địa phương rất mỏng, thậm chí không đủ để đăng kiểm tàu thuyền trên địa bàn.
Nhiều nơi không có đăng kiểm viên
Mới đây, một nhóm đăng kiểm viên của Chi nhánh Đăng kiểm Hà Sơn Bình (thuộc Chi cục Đăng kiểm số 1) được cử lên Sơn La thực hiện kiểm định định kỳ tàu, thuyền ở lòng hồ thủy điện Sơn La có sức chở dưới 50 người, công suất máy dưới 135CV.
Điều đáng nói, khi đăng kiểm các phương tiện trên, người của chi nhánh chỉ thực hiện các khâu kiểm tra kỹ thuật, ký biên bản chứng nhận kết quả kiểm tra, sau đó bàn giao để Sở GTVT Sơn La cấp giấy chứng nhận, tem đăng kiểm, thu phí, lệ phí, cũng như quản lý hồ sơ kỹ thuật phương tiện.
Ông Nguyễn Hải Triều, Trưởng Chi nhánh Đăng kiểm Hà Sơn Bình cho biết, thông thường chi nhánh thực hiện toàn bộ các khâu từ kiểm định đến cấp giấy tờ đăng kiểm.
Còn hơn 2 năm nay, khi đăng kiểm phương tiện theo đề nghị của Sở GTVT Sơn La, đơn vị chỉ thực hiện phần việc trên. Lý do vì đơn vị đăng kiểm địa phương không còn đăng kiểm viên phương tiện thủy như trước.
Lý giải thêm, ông Mai Quốc Vinh, nguyên Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy, bộ Sơn La cho biết, trước kia trung tâm có 2 đăng kiểm viên phương tiện thủy thực hiện đăng kiểm loại tàu thuyền có sức chở dưới 50 người, công suất máy dưới 135CV trên địa bàn.
Nhưng từ năm 2017, đơn vị được cổ phần hóa và chỉ thực hiện đăng kiểm xe ô tô, còn đăng kiểm viên phương tiện thủy chuyển công tác nên không còn người làm.
Chung hoàn cảnh, tại tỉnh Bắc Kạn, lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại tỉnh này cho biết, đơn vị từng có 2 đăng kiểm viên phương tiện thủy, nhưng sau khi trung tâm chuyển từ đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần không kiêm đăng kiểm thủy nữa, đăng kiểm viên nghỉ việc.
“Hồ sơ các phương tiện thủy đã đăng kiểm được đơn vị chuyển cho Sở GTVT Bắc Kạn. Hiện, việc đăng kiểm do Sở GTVT thực hiện bằng cách nhờ người của Chi cục Đăng kiểm số 1 kiểm định, còn Sở GTVT cấp chứng nhận đăng kiểm”, đại diện đơn vị thông tin.
Tìm hiểu một số địa bàn khác như: Bắc Ninh, Hà Nam… việc tổ chức kiểm định dù có 1-2 đăng kiểm viên phương tiện thủy, nhưng thuộc biên chế của trung tâm đăng kiểm ôtô.
“Trước đây đơn vị có 2 đăng kiểm viên phương tiện thủy, nhưng phương tiện thủy loại nhỏ ở địa phương ít nên một người đã xin chuyển sang địa phương khác.
Nguồn thu từ đăng kiểm phương tiện thủy không đủ nuôi đăng kiểm viên, phải dùng từ nguồn đăng kiểm xe ô tô để bù đắp”, ông Nguyễn Văn Cam, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 90-01S Hà Nam cho biết.
Không để có “vùng trắng”
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo phân cấp từ năm 2016, đơn vị đăng kiểm trực thuộc các sở GTVT có trách nhiệm kiểm định đối với phương tiện thủy trên địa bàn có sức chở dưới 50 người, trọng tải toàn phần dưới 200 tấn, tổng công suất máy chính dưới 135CV và phương tiện chuyên dùng (ụ nổi, tàu công trình, tàu có công dụng đặc biệt) có chiều dài thiết kế nhỏ hơn 10m. Đơn vị đăng kiểm được chia thành hạng I, hạng II, hạng III theo năng lực thực tế.
“
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, cách đây không lâu, khi khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) đưa hơn 100 phương tiện thủy về hoạt động, do nhân lực của đơn vị đăng kiểm địa phương không đủ để thực hiện kiểm định, cơ quan chủ quản phải đề nghị đơn vị đăng kiểm thủy khu vực hỗ trợ, kiểm định giúp.
”
Tuy vậy, đến nay khá nhiều địa phương phía Bắc, miền Trung chưa tổ chức được lực lượng đăng kiểm thủy. Có thể kể đến nhiều địa phương lớn như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Tuyên Quang...
Một số địa phương khác dù có thực hiện, nhưng rất ít đăng kiểm viên và không đủ năng lực. Các đơn vị đăng kiểm thủy thuộc Cục Đăng kiểm VN phải hỗ trợ, thậm chí đảm nhận thay phần việc thuộc trách nhiệm đăng kiểm địa phương.
“Nguyên nhân do nhiều chủ phương tiện không tự giác chấp hành kiểm định, nguồn thu từ phí, lệ phí đăng kiểm thấp (khoảng 200 nghìn đồng/phương tiện) khiến đơn vị đăng kiểm địa phương khó cân đối thu, chi.
Mặt khác, việc bố trí đăng kiểm viên phương tiện thủy liên quan đến biên chế của sở GTVT khiến địa phương gặp khó khăn”, ông Học nói.
Ông Học cũng cho biết, các đơn vị đăng kiểm khu vực cũng phải cân đối thu, chi bằng cách điều tiết từ nơi có nhiều phương tiện cho nơi ít phương tiện.
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc phân cấp đăng kiểm phương tiện được thực hiện theo quy định, tuy nhiên hiện nhiều địa phương không tổ chức thực hiện nên phải đề nghị hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần công tác kiểm định tại địa bàn.
Ở các địa phương chưa tổ chức thực hiện, Cục Đăng kiểm VN đều cử lực lượng phối hợp, không để xảy ra địa bàn “trắng” về đăng kiểm thủy.
Để nâng hiệu quả công tác đăng kiểm, các sở GTVT cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý những trường hợp không tuân thủ các quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Từ góc độ đơn vị đăng kiểm địa phương, lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT Bắc Ninh cho biết, đăng kiểm phương tiện thủy khó khăn hơn rất nhiều so với đăng kiểm xe ô tô.
“Khi đăng kiểm phương tiện thủy phải đi đến tận nơi phương tiện hoạt động, nhưng thường xuyên xảy ra trường hợp đăng kiểm viên đến nơi chủ phương tiện lại không làm, trong khi đơn vị đăng kiểm không có quyền buộc phương tiện phải chấp hành đăng kiểm”, vị này nói và cho rằng, để đơn vị đăng kiểm địa phương quan tâm đầu tư vào đăng kiểm thủy, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành quy định về đăng kiểm phương tiện thủy.
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/nhieu-vung-trang-dang-kiem-phuong-tien-thuy-d468843.html