Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi vận hành bộ máy chính quyền cấp xã mới ở Nghệ An
Tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII ngày 9/7, nhiều đại biểu và lãnh đạo các xã, phường mới đã thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình vận hành bộ máy chính quyền cấp xã sau sắp xếp.
Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII ngày 9/7, hàng loạt vướng mắc khi vận hành chính quyền cấp xã mới đã được các đại biểu nêu lên. Từ tình trạng thiếu cán bộ xã, bất cập trong phân bổ nguồn lực đến hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, mô hình chính quyền địa phương hai cấp vẫn còn gặp nhiều lúng túng trong thực tiễn.

Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bà Lê Thị Thêu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Đồng cho biết, sau hơn 1 tuần vận hành, hiện xã đang thiếu tới 16 công chức trong khi khối lượng công việc ngày càng lớn. Bà đề xuất tỉnh cần rà soát, kiên quyết điều động cán bộ từ nơi thừa sang nơi thiếu, đảm bảo sự vận hành trơn tru của bộ máy.
Không chỉ thiếu nhân lực, hạ tầng hành chính cấp xã cũng đang là rào cản lớn. Máy móc, thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu thốn, năng lực cán bộ nhiều nơi còn hạn chế. Bà Thêu kiến nghị tỉnh sớm điều chỉnh quy hoạch, xây dựng trung tâm hành chính xã mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình dân sinh, như dự án cầu Khe Đá.

Đại biểu Lê Thị Thêu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Đồng phát biểu tại thảo luận tổ.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Kỳ, cho rằng cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, nhất là các vị trí tiếp nhận phân cấp từ huyện. Bên cạnh đó, cần có hệ thống tương tác giữa xã và tỉnh để đảm bảo thông suốt trong điều hành.
Ông Ngọc cũng đề xuất đánh giá lại hệ thống tương tác giữa người dân và chính quyền cấp xã, tăng tỷ lệ điều tiết nguồn thu cho các xã khó khăn nhằm tạo động lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cần tính toán hợp lý việc sắp xếp thôn, xóm và đội ngũ cán bộ không chuyên trách.

Đại biểu Lê Văn Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Kỳ phát biểu tại thảo luận tổ.
Từ thực tế địa phương, ông Trương Minh Cương (huyện Quế Phong cũ) phản ánh: Việc đo đạc đất đai phục vụ chuyển đổi quyền sử dụng đất đang rất khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, cho thấy bất cập trong mô hình chính quyền hai cấp ở miền núi Nghệ An.
Tại phiên thảo luận tổ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND các xã, phường mới cũng bày tỏ trăn trở, nêu lên những khó khăn, vướng mắc, bất cập đang gặp phải khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Đó là tình trạng hệ thống quản lý phần mềm chưa được kết nối với nhau, ảnh hưởng đến hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tại xã Mường Lống có 1 bản chưa có sóng điện thoại nên gây khó khăn cho cán bộ và người dân; đang thiếu 30 giáo viên của các bậc học, trong đó thiếu 17 giáo viên đứng lớp; trụ sở làm việc, nhà công vụ cho cán bộ ở các xã vùng sâu, vùng xa làm việc, sinh hoạt còn thiếu thốn...
Phản hồi các kiến nghị, ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tỉnh sẽ rà soát đội ngũ cán bộ cấp xã để phân bổ hợp lý, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn cho cán bộ trong thời gian tới.
Trao đổi, thông tin thêm những biện pháp để giải quyết những vấn đề mà các đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các xã nêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Phú Hiền khẳng định, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp lại cơ sở vật chất, trụ sở làm việc và phương tiện phục vụ, ưu tiên đầu tư bổ sung cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang phát sinh trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.