Nhiều vướng mắc trong việc công bố mở cảng cá

Theo khoản 9, Điều 73, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, cảng cá đang hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (ngày 25/4/2019) tiếp tục được hoạt động và phải làm thủ tục đề nghị công bố mở cảng theo quy định trước ngày 1/10/2020. Như vậy, theo quy định này, từ sau ngày 30/9/2020 các cảng cá trên địa bàn tỉnh nếu chưa được công bố mở cảng theo Luật Thủy sản sẽ không được phép hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thực hiện công bố mở cảng cá vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nếu không được tháo gỡ sớm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

 Tàu cá xa bờ cập cảng bốc dỡ thủy sản tại Cảng cá Cửa Việt -Ảnh: T.Q

Tàu cá xa bờ cập cảng bốc dỡ thủy sản tại Cảng cá Cửa Việt -Ảnh: T.Q

Giám đốc Ban quản lý (BQL) Cảng cá Quảng Trị Lê Văn Sơn cho biết, theo Quyết định số 1276/QĐBNN-TCTS ngày 19/4/2019 về việc công bố danh sách cảng cá chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, tỉnh Quảng Trị có 2 cảng cá chỉ định do BQL Cảng cá Quảng Trị quản lý, khai thác gồm Cảng cá Cửa Việt có địa chỉ tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong là cảng cá loại I và Cảng cá Cửa Tùng có địa chỉ tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh là cảng cá loại II. Thời hiệu của Quyết định kể từ ngày ký ban hành đến hết ngày 30/9/2020. Để đảm bảo các cảng cá đủ điều kiện hoạt động từ ngày 1/10/2020, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngư dân và việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác, từ ngày 28/7/2020 BQL Cảng cá Quảng Trị đã có Tờ trình số 135/TTr-BQL về việc đề nghị trình UBND tỉnh công bố mở Cảng cá Cửa Tùng nhưng do hồ sơ chưa đủ thành phần nên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh không tiếp nhận. Đến ngày 3/9/2020, đơn vị đã bổ sung hồ sơ và đã được Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra Trung tâm Phục vụ hành chính công thông báo trả hồ sơ, hướng dẫn đơn vị bổ sung một số thành phần hồ sơ chưa đúng quy định. Theo ông Sơn, qua rà soát hiện trạng, kiểm tra hồ sơ và thực tế, các Cảng cá Cửa Việt và Cửa Tùng có nhiều tiêu chí chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, gây khó khăn cho đơn vị trong việc thực hiện thủ tục công bố mở cảng cá. Cụ thể, về các trang thiết bị chủ yếu, theo quy định tại Điều 78 của Luật Thủy sản yêu cầu các trang thiết bị chủ yếu phục vụ cho việc bốc dỡ hàng hóa của cảng được cơ giới hóa tối thiểu đạt 90% đối với cảng cá loại I (Cảng cá Cửa Việt) và 70% đối với cảng cá loại II (Cảng cá Cửa Tùng), các tiêu chí này mang tính định tính, không rõ định lượng nên đơn vị không hiểu cách đánh giá phân loại. Về tiêu chí sản lượng hàng thủy sản qua cảng, Điều 78 của Luật Thủy sản chỉ nêu là đối với cảng cá loại I phải từ 25.000 tấn/năm trở lên và 15.000 tấn/năm trở lên đối với cảng cá loại II chứ không quy định rõ là đây là sản lượng thực tế qua cảng hay năng lực thiết kế của cầu cảng nên BQL Cảng cá gặp khó khăn trong việc thực hiện hồ sơ thủ tục mở cảng cá.

Về diện tích đất cảng và vùng nước trước cảng, theo quy định tại Điều 78 của Luật Thủy sản yêu cầu cảng cá loại I phải có diện tích vùng nước cảng tối thiểu 20 ha trở lên, diện tích vùng đất cảng từ 4 ha trở lên; đối với cảng cá loại II phải có diện tích vùng nước cảng tối thiểu từ 10 ha trở lên, diện tích vùng đất cảng từ 2,5 ha trở lên. Ông Sơn thông tin, đối với Cảng cá Cửa Việt, theo Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 17/2/2003 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc giao đất xây dựng Cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cửa Việt (sau này gọi tắt là Cảng cá Cửa Việt); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W584190 do UBND tỉnh cấp ngày 17/2/2003 thì diện tích vùng đất cảng được giao 1,4 ha, diện tích vùng nước trước cảng chưa được giao. Đối với Cảng cá Cửa Tùng, theo Quyết định số 3284/QĐ-UBND ngày 23/11/2004 của UBND tỉnh về việc giao đất xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão và hậu cần nghề cá Cửa Tùng (sau này gọi tắt là Cảng cá Cửa Tùng); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BI 824767 do UBND tỉnh cấp ngày 19/7/2013 thì diện tích vùng đất cảng là 8,7 ha, diện tích vùng nước cảng chưa được giao. Như vậy, so với quy định thì chỉ có Cảng cá Cửa Tùng là đáp ứng được yêu cầu về diện tích vùng đất cảng, Cảng cá Cửa Việt còn thiếu 2,6 ha; cả 2 cảng cá đều chưa được giao diện tích vùng nước trước cảng. Ông Sơn cho hay, để giải quyết vấn đề này, ngày 15/9/2020, BQL Cảng cá Quảng Trị đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị hướng dẫn các thủ tục giao đất và giao mặt nước. Ngày 25/9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời số 3049/STNMT-QLĐĐ hướng dẫn thủ tục giao vùng nước cảng cá để đủ điều kiện công bố mở cảng cá. Theo đó, đối với việc giao đất bổ sung cho Cảng cá Cửa Việt và Cảng cá Cửa Tùng, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị BQL Cảng cá Quảng Trị làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được phê duyệt dự án mở rộng Cảng cá Cửa Việt và Cảng cá Cửa Tùng, trên cơ sở đó làm việc với UBND các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh bổ sung và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Vĩnh Linh, Gio Linh theo quy định. Sau khi hoàn thành các thủ tục nói trên, đề nghị BQL Cảng cá Quảng Trị lập hồ sơ thu hồi đất, giao đất và nộp về Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo quy định. Đối với việc giao diện tích vùng nước Cảng cá Cửa Tùng và Cảng cá Cửa Việt, văn bản hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ giải thích với diện tích vùng nước xin mở rộng 2 cảng cá nằm trong đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm tỉnh Quảng Trị (Cảng cá Cửa Tùng nằm trong đường mực nước khoảng 500m, Cảng cá Cửa Việt nằm trong đường mực nước khoảng 1.000m) nên việc xin mở rộng 2 cảng cá không thực hiện thủ tục xin giao khu vực biển theo Nghị định 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Theo ông Sơn, đối với việc giao đất bổ sung, văn bản hướng dẫn này của Sở Tài nguyên và Môi trường có điểm nhầm lẫn giữa huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong do Cảng cá Cửa Việt có địa chỉ tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong; đối với việc cấp vùng nước trước cảng, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng không hướng dẫn rõ ràng cho BQL Cảng cá Quảng Trị cần những thủ tục gì để hoàn thành việc này.

Một điểm vướng mắc nữa đó là theo theo điểm e, khoản 1, Điều 61, Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định thành phần hồ sơ công bố mở cảng cá phải có “Thông báo hàng hải về luồng của cảng và vùng nước trước cầu cảng”; đồng thời theo điểm k, khoản 2, Điều 81 Luật Thủy sản quy định BQL Cảng cá có trách nhiệm “Phối hợp với Cơ quan đảm bảo an toàn hàng hải thông báo tình hình luồng lạch, phao tiêu báo hiệu, bảo đảm an toàn cho tàu cá ra, vào cảng cá”. Do Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật lại không quy định rõ “Cơ quan đảm bảo an toàn hàng hải” là cơ quan nào tại địa phương và thủ tục như thế nào nên BQL Cảng cá Quảng Trị đang lúng túng khi thực hiện. Theo ông Sơn, ngày 15/9/2020 đơn vị đã có văn bản đề nghị các cơ quan chuyên môn gồm Sở Giao thông vận tải, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Trị, Tổng Công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc hướng dẫn thực hiện nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời.

Mới đây, theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại hội nghị về công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, hiện nay đã có 26 cảng cá/12 tỉnh, thành phố trong cả nước được công bố mở theo Luật Thủy sản và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP gồm: 19 cảng cá loại II, 7 cảng cá loại III. Hiện tại còn lại 16 tỉnh chưa có cảng cá được công bố mở hoặc chưa có cảng cá được xây dựng gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh (không có cảng cá). Theo khoản 9, Điều 73, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP cảng cá đang hoạt động trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành (25/4/2019) tiếp tục được hoạt động và phải làm thủ tục đề nghị công bố mở cảng theo quy định trước ngày 1/10/2020. Như vậy, từ sau ngày 30/9/2020, các cảng cá chưa được công bố mở theo Luật Thủy sản sẽ không được phép hoạt động. Theo ông Sơn, đến thời điểm nêu trên nếu các cảng cá vẫn chưa được công bố mở cảng như luật định thì đương nhiên buộc phải đóng cảng. Việc này không chỉ sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân mà còn ảnh hưởng đến công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ảnh hưởng đến việc cùng với cả nước tháo dỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. “Hiện nay BQL Cảng cá Quảng Trị đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các thủ tục công bố mở cảng cá. Để đẩy nhanh tiến độ, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với tất cả các đơn vị liên quan nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc công bố mở cảng cá”, ông Sơn đề xuất.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152942