Nhiều xe biển xanh giá thị trường 8-10 tỷ đồng, trong khi định mức xe hơn 1,1 tỷ đồng thì có tiết kiệm chống lãng phí không?
Về câu chuyện sử dụng xe công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề về việc rà soát tiêu chuẩn định mức sử dụng, sắp xếp xe dôi dư, khoán xe công thực hiện ra sao...?
Sáng ngày 22/4, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình với đánh giá cho rằng có nhiều điểm ấn tượng trong điều hành thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2019.
Với sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, nhiều vụ được xử lý nghiêm minh, cải cách thủ tục hành chính giúp giảm chi phí thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp và người dân. Sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế cũng góp phần tiết kiệm, chống lãng phí. Gần 17.000 tỷ tiết kiệm được đã góp phần phục vụ nhu cầu chi.
Về câu chuyện sử dụng xe công, ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề về việc rà soát tiêu chuẩn định mức sử dụng, sắp xếp xe dôi dư, khoán xe công thực hiện ra sao...?
Ông dẫn lời cử tri băn khoăn định mức xe hơn 1,1 tỷ đồng nhưng thấy nhiều xe biển xanh giá thị trường 8-10 tỷ đồng, dù là xe chuyên dùng nhưng so với định mức sao giá trị cao thế, có tiết kiệm chống lãng phí hay không.
Ông nhấn mạnh, vừa qua Bộ Tài chính gương mẫu khoán xe công nhưng Chính phủ cần đánh giá tổng kết để xem hiệu quả thế nào để định hướng nhân rộng hay dừng lại
Hay câu chuyện trạm thu phí không dừng theo nghị quyết phải hoàn thành trong năm 2018 nhưng hiện vẫn triển khai rất chậm trong năm 2020. Điều này ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch, chính xác, gây bức xúc...
Tham gia giám sát các công trình trọng điểm, ông Vũ Hồng Thanh chỉ rõ trường hợp cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành hiện tiến độ chậm. Như Long Thành, Quốc hội cho tách riêng dự án để tạo điều kiện triển khai nhưng đến giờ mới giải phóng mặt bằng được 70%, còn lại 30% nhưng diện khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ chung, tác động đến kết quả tiết kiệm, chống lãng phí.
Về thực hiện chế độ báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Vũ Hồng Thanh dẫn chứng năm ngoái báo cáo của Chính phủ nêu nhiều địa phương, bộ ngành chậm và chưa gửi. Đến năm nay vẫn có trên 11% (4 bộ và 7 địa phương) chưa gửi. Kiến nghị kiểm điểm những nơi vi phạm năm trước cũng chưa thấy báo cáo xử lý thế nào.
Đánh giá báo cáo của Chính phủ thể hiện khá đầy đủ, toàn diện về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, song, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, về sản xuất kinh doanh cần đánh giá kỹ hơn, cả khâu chủ trương cho đến tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ về vụ xuất khẩu gạo vừa rồi còn lúng túng, vội vàng giờ gây lãng phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người trồng lúa. Nhiều dự án đầu tư đang làm vướng thủ tục, dừng lại một ngày tốn bạc tỉ nhưng không được giải quyết. Theo đó, bà đề nghị báo cáo nói rõ hơn về trách nhiệm bộ máy công vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi bao nhiêu dự án đình trệ, không làm được hoặc không cho làm gây lãng phí tiền bạc, công sức, thời gian.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng báo cáo cần phân tích sâu hơn, nhất là về hạn chế nhất định trong điều hành ở một số cấp, ngành dẫn tới lãng phí cho doanh nghiệp, xã hội.
Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho thấy nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu "điểm danh" trong các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính ngân sách để báo cáo Quốc hội.