Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp sửa đổi Hiến pháp
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang nhận được ý kiến đóng góp tích cực từ các chuyên gia, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và người dân trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức Hội nghị Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: H.Thảo
Các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm hướng đến hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Làm rõ hơn mối quan hệ giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội
Luật gia Nguyễn Đức, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng, Hiến pháp là đạo luật gốc, là nền tảng pháp lý cao nhất điều chỉnh các quan hệ chính trị - pháp lý cơ bản của đất nước. Trước yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống chính trị, cải cách bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là hết sức cần thiết. Qua đó, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, định hướng phát triển lâu dài của đất nước.
Góp ý về nội dung cụ thể, theo luật gia Nguyễn Đức, tại Điều 9, Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nêu: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là “trực thuộc MTTQ Việt Nam”. Ông cho rằng, cần làm rõ hơn “trực thuộc” là như thế nào, bởi thông thường “trực thuộc” có thể hiểu là mối quan hệ hành chính cấp trên - cấp dưới. Trong khi đó, về bản chất tổ chức, các tổ chức chính trị - xã hội nói trên đều được xác lập tư cách pháp nhân độc lập, có điều lệ riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt, có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương và thực hiện chức năng đại diện cho các giai tầng xã hội cụ thể.
Nêu ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại hội nghị do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Ông Thái Minh Công, công tác tại Liên minh Hợp tác xã tỉnh, nêu ý kiến về vai trò trong hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của MTTQ Việt Nam, cùng phối hợp thống nhất hành động trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, mỗi tổ chức giữ vai trò, chức năng riêng biệt và không bị chi phối theo quan hệ hành chính - tổ chức bởi MTTQ Việt Nam. Nên chăng có thể dùng từ “thành viên nòng cốt” để diễn đạt mối quan hệ của 5 tổ chức trên với MTTQ Việt Nam. Mặt khác, trong dự thảo mới nhắc đến 5 tổ chức nêu trên là trực thuộc, mà không nhắc tới mối quan hệ của MTTQ Việt Nam với các tổ chức, hội khác, nên làm rõ thêm nội dung này.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà cho hay, nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này tập trung vào các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương. Việc sửa đổi, bổ sung thể hiện quyết tâm chính trị lớn trong việc kiện toàn bộ máy chính quyền, tăng cường hiệu quả quản trị quốc gia; đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng cho rằng, dùng từ “trực thuộc” để mô tả mối quan hệ giữa các tổ chức thành viên và MTTQ là chưa phù hợp, nên rà soát, hiệu chỉnh lại trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp.
Giữ nguyên quyền chất vấn
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà kiến nghị, Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp nên dành một nội dung khái quát về vai trò, nhiệm vụ của MTTQ ở cấp xã, cấp thôn, nơi trực tiếp gắn bó với người dân. Qua đó, nhằm tạo cơ sở để thể chế hóa vai trò của Mặt trận cơ sở trong việc hòa giải, giám sát cộng đồng, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, nên bổ sung quy định cụ thể về cơ chế giám sát, phản biện xã hội. Theo bà Hà, Hiến pháp cần ghi nhận rõ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức. Bổ sung cơ chế để Mặt trận yêu cầu trả lời kiến nghị giám sát, có quyền kiến nghị sửa đổi chính sách không phù hợp với nguyện vọng nhân dân…
Góp ý vào sửa đổi Hiến pháp, nhiều đại biểu của Đồng Nai có cùng đề xuất giữ nguyên quyền chất vấn chánh án tòa án nhân dân (TAND), viện trưởng viện kiểm sát nhân dân (KSND) của đại biểu HĐND.
Phó trưởng ban Tuyên giáo và dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, khoản 2 Điều 115 Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 không quy định chánh án TAND, viện trưởng viện KSND chịu sự chất vấn của đại biểu HĐND. Phó trưởng ban Tuyên giáo và dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh, chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, yêu cầu người bị chất vấn trả lời trực tiếp và chịu trách nhiệm về nội dung trả lời của mình trước đại biểu, cử tri. Như vậy, nếu không được quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND thì đại biểu HĐND sẽ khó có thể trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của TAND, viện KSND. Đặc biệt là trường hợp oan sai hoặc quyết định tố tụng của TAND, viện KSND mà cử tri bức xúc.
Mặt khác, khi chất vấn trực tiếp, vấn đề sẽ được giải quyết rất nhanh. Nếu người trả lời không đúng ý, đại biểu có thể yêu cầu trả lời lại ngay, không mất nhiều thời gian, do đó, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Luật gia Vòng Khiềng, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng cho rằng, nên giữ nguyên quyền chất vấn chánh án TAND, viện trưởng viện KSND của đại biểu HĐND (như Hiến pháp năm 2013). Theo luật gia, đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo… Do đó, nếu đại biểu HĐND không được quyền chất vấn chánh án TAND, viện trưởng viện KSND thì việc thực hiện giám sát của đại biểu HĐND sẽ không được đầy đủ, chưa làm tròn nhiệm vụ với cử tri.