Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Năm 2024 là năm nước rút, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Ðảng. Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 14 HÐND tỉnh vừa qua, đại biểu đã có nhiều tham luận thể hiện sự trăn trở, tâm huyết với tình hình thực tiễn, trách nhiệm với bà con cử tri, những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, đề xuất các giải pháp hiệu quả lâu dài, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Báo Cà Mau lượt trích một số ý kiến tham luận của đại biểu tại kỳ họp.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau: Ứng dụng mô hình nuôi thủy sản tiên tiến

Những năm gần đây, tình trạng nhiễm bệnh của các loại thủy sản, đặc biệt là tôm, cua vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất; chất lượng con giống có xu hướng giảm. Cá nhân tôi vô cùng lo ngại trước tình trạng này, vì mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch bệnh trên tôm, cua nuôi 6 tháng đầu năm diễn biến khá phức tạp. Tình hình cua nuôi ở một số địa phương như: Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển bị chết trên diện rộng (8.157,72 ha, mức thiệt hại khoảng 40%). Nguyên nhân được xác định do vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm gây ra. Dưới góc nhìn chuyên môn, tôi nghĩ rằng, việc thủy sản bị bệnh là việc không mong muốn nhưng vẫn thường xảy ra. Nhưng làm gì để phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả là việc cần quan tâm, trong khi đa số hộ vẫn nuôi theo cách truyền thống, hệ thống thủy lợi của Cà Mau còn nhiều hạn chế - không có nguồn nước vào, ra riêng biệt, nên nếu dịch bệnh xảy ra, những hộ ở khu vực xung quanh khó lòng tránh khỏi.

Xuất phát từ điều kiện như vậy, với mong muốn nghề nuôi thủy sản của tỉnh ngày một phát triển, tình hình dịch bệnh thủy sản được kiểm soát tốt hơn, tôi xin đề xuất một số mô hình tôm nuôi tiên tiến như: mô hình nuôi nước tĩnh; nuôi tôm 2-3 giai đoạn; nuôi tôm công nghệ 234 - đây là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được phát triển từ quy trình nuôi 2 giai đoạn, đã được thử nghiệm rất thành công tại Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (số 2 là nuôi 2 giai đoạn; số 3 là số lần thu tỉa trong 1 vụ; số 4 là bốn sạch: giống sạch, nước sạch, sạch kháng sinh và sạch môi trường).

Hy vọng những mô hình này sẽ được bà con quan tâm, tìm hiểu; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có thể nghiên cứu thêm, nếu thấy mô hình nuôi nào thật sự phù hợp, tham mưu UBND tỉnh cho áp dụng thử nghiệm, thành công thì áp dụng rộng rãi - xem đây là một trong những giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản và tìm hướng nuôi mới trong nghề nuôi thủy sản của địa phươngu

Ðại tá Lê Quang Luật, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả rất quan trọng. Ðó chính là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự đồng tình ủng hộ và đồng hành của bà con cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm còn có những khó khăn, tồn tại nhất định, nhất là tội phạm về trật tự xã hội; trong đó tội phạm lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội diễn biến phức tạp, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo... Các đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng xã hội..., sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Ðáng lưu ý là tội phạm về ma túy, đối tượng phạm tội trong độ tuổi thanh thiếu niên chiếm 63%; nghiện ma túy chiếm 60%.

Ðể công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, tôi xin phép được kiến nghị một số giải pháp sau: Cấp ủy, chính quyền ở từng cấp và các cơ quan chức năng phải đánh giá đúng thực trạng tình hình tội phạm ở từng địa bàn, lĩnh vực; chủ động nhận diện tội phạm, nhất là những phương thức, thủ đoạn mới phát sinh tương ứng với chuyển biến của tình hình xã hội, từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp căn cơ hơn nữa về công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nói chung và các loại tội phạm về ma túy nói riêng. Thường xuyên nắm, dự báo, cảnh báo các loại tội phạm để người dân cảnh giác, cùng tham gia phòng, chống; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp và vụ việc vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần làm giảm, làm dừng các loại tội phạm. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thanh niên, phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; luôn gần dân, bám sát địa bàn dân cư; luôn nêu cao tinh thần vượt khó, gương mẫu tham gia thực hiện và đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn sự bình yên cuộc sống của Nhân dân...

Thạc sĩ - Dược sĩ CKII Ðặng Thùy Trang, Phó giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh: Giải pháp giữ chân lao động tại địa phương

Với vai trò là thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HÐND tỉnh, tôi nhận thấy những năm qua công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, khá đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù có sự nỗ lực lớn, nhưng thời gian qua, giải quyết việc làm tại địa phương luôn thấp hơn giải quyết việc làm ngoài tỉnh; lực lượng lao động của tỉnh Cà Mau có sự dịch chuyển ra ngoài tỉnh với số lượng khá lớn, chủ yếu là ở các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.

Việc lao động dịch chuyển ra ngoài tỉnh ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; một số nơi, doanh nghiệp thiếu lao động; nhiều hệ lụy đến vấn đề xã hội, gia đình, giáo dục con cái do cha mẹ đi làm ăn xa để lại cho ông bà nuôi dưỡng, chăm sóc. Vậy, giải pháp nào để tạo công ăn việc làm nhằm giữ chân lao động tại địa phương? Thiết nghĩ đây là vấn đề lớn, cần có cách nhìn đa chiều, toàn diện, nhận diện rõ nguyên nhân, từ đó có giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Tôi xin đề xuất lãnh đạo tỉnh, địa phương cần quan tâm một số giải pháp: Tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt và ban hành. Khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư thành lập nhiều doanh nghiệp nhằm tạo thêm việc làm mới. Phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực của ngành nông nghiệp theo từng chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao chất lượng, thương hiệu, uy tín sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; chú trọng đến quy mô, chất lượng, giá cả để vừa khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương với giải quyết việc làm tại chỗ. Quan tâm đến sinh kế, nhất là sinh kế cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ðồng thời, gắn với hỗ trợ vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân... Quan tâm đào tạo nghề, các hình thức liên kết đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của địa phương; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, ưu tiên thị trường lao động tại địa phương...

Loan Phương lược ghi

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhieu-y-kien-tam-huyet-trach-nhiem-a33729.html