Nhiều yêu cầu đặt ra trong công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị
Sáng 28/6, tại thành phố Đà Nẵng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Hiện nay, trong tình hình mới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo phương châm cơ bản, hệ thống, hiện đại và thực tiễn, bảo đảm được các tiêu chuẩn về tư tưởng, kiến thức, kỹ năng, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, có thể làm việc hiệu quả trong môi trường hội nhập và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đào tạo cao cấp lý luận chính trị vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Với tinh thần đổi mới toàn diện công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước, tại Hội nghị lần này, ông Nguyễn Xuân Thắng đã đề nghị các đại biểu làm rõ hơn vấn đề nhận thức đúng về mục tiêu, yêu cầu của công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị; chú trọng đổi mới khung chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, bám sát hơi thở của thực tiễn cuộc sống và phương pháp giảng dạy hiện đại, chú trọng rèn luyện kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị Hội nghị cho ý kiến về việc điều chỉnh tiêu chuẩn đối tượng tuyển sinh cao cấp lý luận chính trị. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, vấn đề này cần được thảo luận kỹ lưỡng để có đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Bộ Chính trị về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…
“Những nội dung quan trọng trên cần được Hội nghị thẳng thắn, cởi mở để trao đổi, thảo luận và có những đóng góp thiết thực nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị hiện nay”, ông Nguyễn Xuân Thắng đặt yêu cầu.
Theo chương trình Hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận tập trung vào các vấn đề như: Phối hợp về công tác lập kế hoạch và tuyển sinh, mở lớp; phối hợp trong công tác quản lý và kiểm soát hệ thống; phối hợp trong công tác thắt chặt kỷ cương, kỷ luật học đường đối với các lớp đặt ngoài cơ sở đào tạo và ngoài hệ thống Học viện; phối hợp với các đơn vị được giao quyền đào tạo thí điểm cao cấp lý luận chính trị cho lực lượng trong ngành của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an…
Theo báo cáo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2014-2018, công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị đã đạt được nhiều thành tựu cả về quy mô, số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo tiền đề quan trọng cho công tác quy hoạch cán bộ hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Cụ thể, giai đoạn 2014-2018, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị cho 56.995 học viên. Trong đó, đào tạo tập trung là 14.243 học viên; không tập trung là 38.456 học viên; hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị là 4.296 học viên.