'Nhìn bạn bè đầu tắt mặt tối, tôi sợ kết hôn chứ đừng nói đến có con'

Tài chính chưa đủ vững, sợ trách nhiệm hay mất đi cuộc sống tự do, nhiều bạn trẻ không muốn hoặc trì hoãn chuyện sinh con dù gia đình, người xung quanh thúc giục.

Có ngoại hình xinh xắn, tính cách vui vẻ và giỏi giao tiếp, Thùy Trang (27 tuổi, Yên Bái), hiện là tiếp viên hàng không, được khá nhiều chàng trai theo đuổi. Tuy nhiên, cô vẫn chọn cuộc sống độc thân vì chưa tìm được người phù hợp.

Khoảng 80% bạn bè xung quanh Trang đã con cái đề huề. Thấy vậy, bố mẹ cô sốt ruột, liên tục thúc giục con gái về chuyện có người yêu, lấy chồng, sinh con.

“Ban đầu, mình thấy không sao vì hiểu tâm lý phụ huynh lúc nào cũng muốn con cái ổn định. Nhưng khi bố mẹ nhắc quá nhiều, còn so sánh mình với con nhà người ta, mình bắt đầu thấy khó chịu, thỉnh thoảng còn cáu”, Trang nói với Zing.

Nữ tiếp viên hàng không chia sẻ thêm: “Mình không nghĩ đến chuyện sinh con. Ngay cả bây giờ có lấy chồng, mình cũng không đẻ. Mình sợ đau, sợ xấu, sợ phải chăm con, sợ không đủ tiền nuôi”.

 Nhiều người trẻ không muốn sinh con vì chịu nhiều áp lực. Ảnh: Korea Times.

Nhiều người trẻ không muốn sinh con vì chịu nhiều áp lực. Ảnh: Korea Times.

Giống như Trang, nhiều bạn trẻ không muốn hoặc trì hoãn chuyện sinh con dù gia đình, người xung quanh thúc giục. Họ có nhiều nỗi lo lắng như tài chính chưa đủ vững, sợ xấu, phải gánh thêm trách nhiệm hay mất đi cuộc sống tự do.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Cụ thể, tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ năm 2019.

Nhiều địa phương có mức sinh thấp hơn trung bình cả nước. Ví dụ, TP.HCM có mức sinh 1,39 con/mẹ (thấp nhất cả nước); Đồng Tháp là 1,58 con/mẹ hay Cần Thơ 1,66 con/mẹ (số liệu cập nhật ngày 30/7/2020).

Theo đó, mức sinh thấp khiến già hóa dân số diễn ra nhanh, tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, sự suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội.

 Mức sinh ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội còn thấp. Ảnh: Ngọc Hiền.

Mức sinh ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội còn thấp. Ảnh: Ngọc Hiền.

Chi phí đắt đỏ

Tại hội thảo Cung cấp Thông tin Định hướng mới của Chương trình Dân số Việt Nam tháng 11/2020, ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, nhận định nguyên nhân mức sinh thấp là xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao.

Tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ. Bên cạnh đó, học vấn, điều kiện sống được cải thiện có tác động nhất định đến mức sinh.

Dù chưa lập gia đình, Hà Linh (29 tuổi, quê Hà Tĩnh, hiện sinh sống ở Hà Nội), làm việc trong lĩnh vực giáo dục, vẫn cảm thấy “toát mồ hôi” khi nghĩ về việc sinh và nuôi dạy con cái trong tương lai.

“Mình thích sinh ba con nhưng biết điều này khó thành hiện thực. Từ công việc hiện tại, mình hiểu rằng chi phí nuôi con hiện nay rất đắt đỏ, đặc biệt ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM”, Linh nói với Zing.

Cô lấy ví dụ cho con theo học trường mầm non tư thục, nhóm trẻ lại học phí sẽ rẻ hơn (có thể lên tới 5 triệu đồng/tháng chưa kể tiền ăn) nhưng cha mẹ thường không yên tâm. Muốn cho con học trường công thì gia đình cần có hộ khẩu ở thành phố.

Ở cấp tiểu học, học phí trường tư thục có thể rơi vào khoảng 2-3 triệu đồng/tháng hoặc 5-10 triệu đồng /tháng tùy lựa chọn của phụ huynh. Ví như học phí khoảng 5 triệu đồng, cha mẹ cần trả thêm đủ loại tiền khác như phí đưa đón, đồng phục, ngoại khóa. Đó là chưa kể tiền cho con học vẽ, múa, võ, tiếng Anh… bên ngoài.

Nếu cho con theo học trường cùng hệ thống, chi phí học cấp THCS và THPT sẽ đắt hơn ở tiểu học.

 Chi phí nuôi con đắt đỏ khiến nhiều người ngại sinh. Ảnh: Liêu Lãm.

Chi phí nuôi con đắt đỏ khiến nhiều người ngại sinh. Ảnh: Liêu Lãm.

Bạn bè tầm tuổi Linh đã lập gia đình gần hết, song không phải ai cũng dám sinh con ngay sau khi cưới hoặc có con thứ hai.

“Bạn của mình kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp đại học nhưng phải đợi 6 năm mới dám tính đến chuyện sinh con. Hai vợ chồng đi làm, tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng với dự định mua nhà trước rồi mới có bầu. Tuy nhiên, kế hoạch đảo lộn khi bạn nữ mang thai, cộng thêm sức khỏe yếu nên phải nghỉ việc. Hai bạn ấy vẫn nhà ở nhà thuê vì chi phí khám, chữa và sinh con vượt quá dự tính nên đẻ xong thì chưa thể mua nhà”, Linh kể.

Một người bạn khác của Linh lấy chồng 4 năm nhưng vẫn chưa dám sinh vì kinh tế chưa vững vàng. Một số khác đã có con đầu lòng thì ngại sinh thêm bé thứ hai cũng vì áp lực kinh tế.

Linh phần nào thấu hiểu gánh nặng của việc nuôi dạy con cái khi bạn thân cô sinh đôi.

“Hai vợ chồng bạn mình thu nhập khá, tổng khoảng 40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do hai con thường xuyên ốm đau, họ cũng tốn kém nhiều chi phí chăm sóc, chữa trị và ít khi được thoải mái về tinh thần. Nhìn vào đó, mình thấy thật sự sợ sinh con”.

Mua cái váy, thỏi son cũng đắn đo

Tháng 5/2020, Thủ tướng đương nhiệm khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) ký Quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sớm kết hôn, sinh con.

Mục tiêu của Chương trình nhằm tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao. Ngoài ra, chính sách này còn hướng đến việc đảm bảo chất lượng dân số, nguồn nhân lực, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Tuy vậy, nhiều bạn trẻ vẫn ngại việc có con vì nhiều áp lực.

Trong bộ ba bạn thân từ thời đại học, Phương Thảo (27 tuổi, Hà Nội) là người duy nhất chưa lập gia đình. Cô thường xuyên được hai người bạn khuyên không vội lấy chồng, sinh con.

Theo Thảo, hai bạn thân cô đều gặp khó khăn trong việc cân đối thu chi và ít nhiều cần nhờ bố mẹ giúp chăm sóc con cái, thậm chí là trợ cấp chi phí sinh hoạt.

 Việc sinh con đi kèm với nhiều áp lực với người trẻ hiện đại. Ảnh: Shutterstock.

Việc sinh con đi kèm với nhiều áp lực với người trẻ hiện đại. Ảnh: Shutterstock.

Hai vợ chồng Hồng Nhung, bạn của Thảo, kiếm được khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng chi phí nuôi con gồm mua bỉm, sữa, ăn uống, ốm đau, thuê bảo mẫu đã ngốn của họ khoảng 15 triệu đồng.

“Dù có gia đình hai bên hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/tháng, vợ chồng bạn mình vẫn cảm thấy khủng hoảng. Bỉm, sữa cho con cũng quen dùng đồ ngoại nên chi phí cũng đắt hơn gấp 2-3 lần. Họ sợ nhất những tháng lễ, Tết về nhà nội, ngoại lại tốn kém tiền quà cáp khoảng 4 triệu đồng/bên. Khi người nhà ốm đau cũng không thể thờ ơ, không cho gì”, Thảo kể.

Ngày trước còn độc thân, Nhung thích mua quần áo, mỹ phẩm, làm nail... bất cứ khi nào cô muốn. Còn giờ, vì áp lực kinh tế, việc tiêu gì, ăn gì hàng ngày cũng phải tính toán hợp lý.

“Bạn mình vẫn nói giờ mua thỏi son, cái váy cũng phải cân nhắc khi nghĩ đến tiền bỉm sữa cho con. Ngày nào cũng đau đầu tính xem nên chi tiêu ra sao để không thiếu hụt chi phí”.

Còn với Mai Phương, thành viên còn lại trong nhóm của Thảo, ngoài việc vẫn phải nhờ cậy cha mẹ hai bên chuyện kinh tế, cô còn quá áp lực dẫn đến bị trầm cảm sau sinh.

Theo lời Thảo, Phương vốn là người yêu tự do, thích đi du lịch. Cuối năm 2019, do yêu chồng hiện tại đã 8 năm, gia đình hai bên thúc giục nhiều nên Phương đồng ý làm đám cưới.

Thảo nhiều lần nghe Phương than thở về chuyện cảm thấy ngột ngạt vì mất đi cuộc sống tự do và phải gánh thêm nhiều trách nhiệm với hai bên gia đình.

“Nói thật, nhìn cuộc sống đầu tắt mặt tối của đám bạn giờ khiến mình e ngại hôn nhân chứ đừng nói đến chuyện có con”, Thảo lắc đầu nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhin-ban-be-dau-tat-mat-toi-toi-so-ket-hon-chu-dung-noi-den-co-con-post1216382.html