Nhìn cây xăng là thấy ấm no

Mỗi chuyến công tác đến vùng biên giới xa xôi, khi xe chạy trên những đường đồi núi bạt ngàn, trong cái xâm xẩm tối của bản làng heo hút… chợt thấy tấm biển báo trạm xăng có chữ P, màu da cam quen thuộc, khiến người từ miền xuôi như tôi lên đây cảm giác yên tâm hơn.

Cây xăng lên vùng đất khó

Trong 33 huyện, thị của 7 tỉnh biên giới phía Bắc, duy nhất huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng) có hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xây dựng cơ bản và được xem là khó khăn nhất cả nước. Hạ Lang cách thành phố Cao Bằng 175 km, nhưng đến nay chỉ có duy nhất một cửa hàng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bán xăng dầu phục vụ đồng bào dân tộc.

Từ khi có cây xăng số 29 của Petrolimex xuất hiện, các xóm, xã xung quanh Hạ Lang như "khoác" thêm diện mạo mới. Anh Nông Văn Hùng - người dân xóm Tổng Nưa (xã Thị Hoa) - hào hứng chia sẻ: Từ lâu, bà con chúng tôi khao khát có một cây xăng để được mua xăng dầu chất lượng, giá cả theo đúng quy định của nhà nước. Và giờ đã thành hiện thực. Chúng tôi không phải tích trữ, không lo tăng giá đột biến.

Còn với anh Nông Văn Tài (người dân xã Quang Long), trước đây, anh phải chạy xe gần 40km mới đến được cây xăng Petrolimex gần nhất. Mỗi lần đi như vậy, anh Tài lại mang thêm can hoặc chai nhựa để mua xăng về dùng dần. "Nhà ở xa, mua xăng xong đi xe về có khi cũng gần hết 1 bình rồi. Vì thế, mỗi lần đi làm hay có công chuyện qua đây đều mua luôn. Nhiều lần nhỡ việc, không mang can hoặc chai lọ theo lại phải nhờ hàng xóm mua hộ, vất vả lắm" - anh Tài tâm sự.

Đặc biệt, trong những ngày tháng 8/2020, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thường xảy ra tình trạng hết xăng vào buổi tối và cuối tuần, kể cả cây xăng tư nhân, khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân là do khâu vận chuyển, cung ứng xăng không kịp thời. Trong khi đó, cả huyện chỉ có một vài cây xăng, mỗi cây cách nhau tới hàng chục cây số. Các trạm bơm xăng có bể chứa nhỏ, mỗi lần chỉ đổ được khoảng 4.000 m3 cả xăng và dầu, có nơi 20.000 m3, trong khi lượng tiêu thụ xăng ngày một tăng nên không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do vậy, cứ mỗi lần xe téc chở xăng lên chậm là tình trạng khan hiếm xăng dầu lại xảy ra. Chính vì vậy, có cây xăng đã tạo ra sự thay đổi lớn của từng bản làng, thôn xóm, góp phần thúc đẩy kinh tế, thay đổi diện mạo huyện nghèo vùng biên giới xa xôi.

“Cầu nối” những bờ vui

Những ngày công tác ở Cao Bằng và Hà Giang, tận mắt chứng kiến cuộc sống đang thay đổi của người dân các bản làng, chúng tôi mới hiểu, cây xăng quan trọng nhường nào đối với họ. Có cây xăng, có điện về như tiếp thêm động lực và nhiều dự định lớn lao hơn cho bà con.

Được biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu ở địa bàn miền núi, vùng cao luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, do chi phí phát sinh lớn, bán nhiều lỗ nhiều. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ chính trị của một doanh nghiệp nhà nước trong bảo đảm cung ứng xăng dầu cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng, Petrolimex vẫn tiếp tục tìm kiếm, phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu tại các vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, mạng lưới cửa hàng xăng dầu của Petrolimex đã phủ kín khắp các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và những vùng khó khăn.

Bà Nông Thị Hà - Phó giám đốc Petrolimex Cao Bằng - cho biết, năm 2020, Công ty Xăng dầu Cao Bằng đã đưa vào hoạt động cửa hàng xăng dầu số 29 tại huyện miền núi Hạ Lang - nơi đây chưa có một cửa hàng xăng dầu nào. Mặc dù sản lượng xăng dầu bán ra rất thấp (40 - 50 m 3/tháng), công ty đang phải bù lỗ chéo, nhưng việc mở cửa hàng này giúp người dân thuận lợi trong việc mua xăng dầu phục vụ cuộc sống và sản xuất.

“Năm 2021, công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm vị trí để mở các cửa hàng mới, nhằm phục vụ tốt hơn đồng bào dân tộc tại các huyện vùng cao, xa trung tâm…” - bà Nông Thị Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, Công ty Xăng dầu Cao Bằng cũng luôn đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu, ngay cả những thời điểm kinh doanh khó khăn nhất về nguồn cung, thời kỳ mưa lũ, hay giá cả biến động. Về phía Công ty Xăng dầu Hà Giang, Phó giám đốc Lại Văn Dương cũng cho biết, công ty đang xúc tiến thủ tục mở thêm 2 cửa hàng xăng dầu ở xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) và huyện Bắc Mê, để hoàn thiện mạng lưới các cửa hàng phục vụ tốt nhất nhu cầu về xăng dầu của người dân trên địa bàn, giảm áp lực cho cửa hàng ở trung tâm huyện. Với việc mở rộng mạng lưới, các cửa hàng xăng dầu được phủ khắp đến tất cả 11 huyện, thành phố của Hà Giang. Với thị phần chiếm 66%, trong đó sản lượng bán lẻ trực tiếp trên 90%, Công ty Xăng dầu Hà Giang đã góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn. “Công ty không chỉ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh thuần túy mà còn có ý thức trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của một doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho bà con dân tộc” - ông Lại Văn Dương cho hay.

Chia tay Cao Bằng, Hà Giang, tôi thấy những nụ cười rạng ngời của người dân vùng cao, thấy màu của sự no ấm, thấy vùng đất biên cương đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.

Lan Anh - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhin-cay-xang-la-thay-am-no-151816.html